Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

VĂN HÓA ẨM THỰC CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ.

Tác giả: Nguyễn Hồng Nhựt

VĂN HÓA ẨM THỰC CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ.

1.           Khát quát chung.
   Khmer là từ được viết theo phiên âm tiếng Anh, thường thấy trong từ điển tiếng Anh. Tiếng Việt phiên âm chữ này thành Khơ-me. Từ Khmer được phiên qua tiếng Hán thành Cao Miên (高棉), gọi tắt là Miên. Do đó một số người Việt còn gọi dân tộc này là dân tộc Miên. Trước năm 1975 còn có các tên gọi khác như Cul, Cur, Việt gốc Miên, Thổ, ... Người Khmer được phân chia thành hai hệ, đó là Khmer Crộm, sống ở Việt Nam, và Khmer Lơ, sống ở Campuchia. "Crộm" và "Lơ" là phiên âm tiếng Việt của tiếng Khmer, có nghĩa là "Dưới" và "Trên".
Phần lớn người Khmer là Khmer Lơ, sống tập trung ở Campuchia. Phần còn lại, Khmer Crộm, sống ở đồng bằng sông Cửu Long, thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre.
1.1. Quá trình hình thành.
 Nước Việt Nam là đất nước có hơn 54 dân tộc. Tất cả đều tin vào truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, nên luôn xem nhau như anh em một nhà, vì đều là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Cùng chung sống lâu đời trên một đất nước, các dân tộc đều có truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công cuộc đấu tranh với thiên nhiên, đấu tranh xã hội, chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Trong quá trình chinh phục thiên nhiên tùy theo điều kiện tự nhiên của mỗi vùng, để tồn tại và phát triển, mọi dân tộc đều có những sáng tạo riêng để tìm ra những phương thức sống thích hợp nhất. Ở vùng núi Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên… phương thức canh tác của đồng bào chủ yếu là phát nương làm rẫy… với vùng núi hoang sơ, phương thức sản xuất lạc hậu, là mảnh đất “màu mỡ” cho sự phát sinh, phát triển các nghi lễ đầy huyền bí. Nơi bắt nguồn của những huyền thoại, của những sử thi, trường ca với những nhạc cụ thô sơ, đàn đá, cồng chiêng, quê hương của rượu cần, nhà sàn…Bên cạnh là vùng đồng bằng và trung du, các dân tộc chủ yếu làm lúa nước, dựng nền văn hóa xóm làng với trung tâm là đình làng, là cây đa, giếng nước… Nghề nông, làng xóm là nguồn cảm hứng của những lành điệu dân ca, hát ghẹo, ví dặm (Bắc bộ); hát cải lương, bài chòi, hát bội…(Nam, Trung bộ). Trong những dân tộc sống quay quần trên đất nước Việt Nam thì người Khmer ở Nam bộ đã đóng góp một phần vào sự phát triển chung của dân tộc.
 Người Khmer có từ sau khi Chân Lạp chiếm Phù Nam cho đến thế kỷ XV và người Khmer di dân từ nhiều vùng đất trên đất nước Campuchia theo sông Cửu Long về vùng đất Nam bộ để tránh họa diệt tộc của vua chúa cầm quyền lúc đó và chiến tranh xâm lược của Xiêm La. Dân tộc Khmer ở nước ta có khoảng trên 1 triệu người, họ sống phần lớn ở những vùng đất cao, chủ yếu là tập trung ở các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang…Họ còn có tên khác như: Việt gốc Miên, Khmer Crôm. Trước thế kỷ XVII, người Khmer giữ vai trò chủ thể ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngôn ngữ Khmer thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer. Họ có tiếng nói và chữ viết riêng, nhưng cùng chung một nền văn hóa, một lịch sử xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Đồng bào Khmer sống xen kẽ với đồng bào Kinh (Việt), Hoa trong các phum, sóc…

1.2. Văn hóa sản xuất.                 
     Người Khmer từ rất lâu đời đã là cư dân thành thạo canh tác nông nghiệp lúa nước mùa vụ. Bộ nông cụ của họ khá hoàn thiện và hiệu quả, thích ứng với các điều kiện sinh thái đồng bằng Nam bộ, trong đó có cái “phảng” chuyên dùng ở vùng đất phèn, mặn để phát cỏ, cái “cù nèo” dùng để vơ cỏ, cây “nọc cấy” dấu vết của cây gậy chọc lỗ tra hạt xưa, tạo ra lỗ để cắm cây mạ xuống những chân ruộng nước, đất cứng và cái “vòng gặt” để gặt lúa còn gọi là (cần điêu)… Những dụng cụ nông nghiệp thủ công trên được con người sử dụng trong một nền công nghiệp lúa nước, giỏi làm thủy lợi và dùng phân bón. Cùng với lúa nước, người Khmer còn phổ biến trồng các loại như: đậu, ngô, khoai, rau, nứa, hành, ngò, dưa hấu và các loại cây ăn quả như nhãn, cam, bưởi…Người Khmer còn có nghề đánh cá, dệt chiếu, đan lát, dệt vải, làm đường thốt nốt và làm đồ gốm. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trong sân vườn, người Khmer còn chăn nuôi vịt quanh năm trong các lò vịt, nuôi hàng ngàn con vịt tàu để lấy trứng và bán thịt. Vùng có nhiều đồng cỏ thì phổ biến nuôi trâu, bò để bán. Vùng đồng bằng Nam bộ đầy sông, rạch, biển cả nên người Khmer cũng thành thạo đánh cá trên sông, biển bằng tàu, thuyền giăng lưới, quăng chài, lờ, đó, đơm, xà neng…Người Khmer cũng thành thạo nghề đan mây tre, tạo thành những đồ đựng, đồ chứa như: các loại giỏ xách, quả, làn đựng hoa trái, trầu thuốc…; đan các dụng cụ đánh bắt cá như: lờ, đó; cùng với nghề đan dệt thảm chiếu trơn, chiếu hoa.
Đặt biệt là các hàng dệt vải, lụa, chăn, khăn tắm, khăn đội đầu… qua bàn tay người phụ nữ Khmer rất được thị trường ưa chuộng. Họ còn có nghề nhuộm (mặc mưa). Trái mặc mưa lúc mới già đem giã nhỏ, quấy với nước lạnh để nhuộm hàng tơ lụa rất tốt, càng ra nắng lại càng ra màu đen bóng. Người Khmer có truyền thống làm gốm từ lâu đời. Trước đây làm gốm chưa có bàn xoay, nay đã biết làm gốm có bàn xoay, phổ biến là các loại nồi (cà om), các loại cà rằm – một loại bếp lò có thể đun nấu trên sàn hoặc trên thuyền. Nghề làm thợ mộc, thợ nề, làm đường thốt nốt cũng thường thấy ở các phum, sróc người Khmer cùng với nghề thợ bạc, làm các ô trầu, hộp thuốc, bình vôi, xường nĩa, đồ trang sức cũng khá phát triển. Nói tóm lại, văn hóa sản xuất hay văn hóa mưu sinh ở dân tộc Khmer cơ bản là nghề canh tác nông nghiệp lúa nước cùng các nghề phụ như chăn nuôi, trồng màu, làm các nghề thủ công phục vụ đời sống của cư dân nông nghiệp.

1.3.  Văn hóa ẩm thực.
Ẩm thực là tiếng dùng khái quát nói về việc ăn và uống. Văn hóa ẩm thực bao gồm cả cách chế biến, bày biện và thưởng thức từng món ăn, thức uống, từ đơn giản, đạm bạc đến cầu kỳ mỹ vị. Chung nhất là vậy, song khi nói đến văn hóa ẩm thực ở một vùng/miền nào đó thì nhất thiết phải nói lên “đặc điểm tình hình” mới có thể nêu được bản sắc văn hóa đặc trưng cụ thể của vùng/miền ấy.
2. Đặc trưng văn hóa ẩm thực của người Khmer.
Tìm hiểu văn hóa Khmer ở Nam bộ, phần đông các nhà nghiên cứu nhắc đến các công trình kiến trúc chùa chiền, gắn liền với những lễ hội phong phú, hoặc những điệu múa truyền thống, uyển chuyển mềm mại đầy tính nhân văn …, nhưng lại ít đề cập và đi sâu đến văn hóa ẩm thực của người Khmer. Trong giới hạn bài viết em xin nêu một số nét đặc trưng về văn hóa ẩm thực của người Khmer gắn chặt với đời sống văn hóa phong tục tập quán của họ.

2.1. Đôi nét về nếp ăn của người Khmer.
Bữa ăn của người Khmer cũng gọi là cơm như người Kinh, cơm gạo tẻ là tố chất cơ bản nuôi sống người Khmer. Người Khmer ăn cơm tẻ và cơm nếp, họ cũng cấy được nhiều loại lúa nếp để chế biến các món ăn từ gạo nếp như: xôi, bánh tét, bánh chưng, bánh chuối, bánh ú, làm rượu cất từ gạo nếp rồi chưng lại uống – một món rượu nổi tiếng của người Khmer. Trong bữa nhậu người Khmer thường dùng cháo như cháo vịt, cháo cá. Người Khmer có món ăn đặc sản là bún nước lèo không thể thiếu được vào ngày mồng một tết ở chùa và trong mỗi gia đình. Bún dẻo sợi nhỏ, khô, chan ăn với nước lèo cá quả tán nhỏ cùng các loại gia vị, rau hành ăn không chán. Thức ăn hằng ngày có tôm, cá, ếch, nhái, rau… được bắt ở kênh rạch, sông ngòi. Thức ăn thường được chế biến bằng cách rán, xào, luộc, kho với nước cốt dừa. Ngoài ra, họ thường phơi các loại cá ăn dần và chế thành nhiều loại mắm từ cá. Họ chế biến nhiều loại mắm, nổi tiếng nhất là mắm “Bhóc” còn gọi là prahok làm từ cá sọc, cá trê, có thể ăn kèm với cơm, bún, cho vào canh, làm nước lèo chan bún. Ngoài mắm bhóc người Khmer còn có các loại mắm khác như: mắm ơn pử làm bằng tôm tép, mắm pô inh làm từ cá sặc… Gia vị được sử dụng và ưa thích nhất của họ là từ quả me hay mà; các vị cay, tiêu, ớt, tỏi, sả, càri… cũng được ưa thích.
2.2. Ẩm thực của người Khmer.
Người Khmer Nam Bộ cũng có cơ cấu bữa ăn thông thường là cơm - canh - rau - tôm cá, với các món ăn đặc trưng như mắm prahoc, canh sòm lo ko kô, bún sòm lo mun mờ chat... Mắm prahoc(người Việt gọi là mắm bò hóc) được làm bằng nhiều loại cá, cách làm rất công phu và tốn thời gian (khoảng hơn 4 tháng). Bên cạnh đó còn có các loại mắm pro ot (bò ót), ơng pa, pơ ling làm bằng tép mồng, tép bạc, và một loại mắm chua rất ngon có tên là pha ơk (mắm chao). Dùng tôm tép trộn muối và cho vào nhiều thính (gạo rang) xong đem phơi nắng khoảng 7-10 ngày. Khi ăn người ta trộn với đu đủ xanh thái nhỏ, củ gừng, củ riềng, ớt, chuối chát xắt mỏng. Canh sòm lo ko kô (canh sim lo) thì có cách nấu rất công phu, phải dùng thịt, cá tươi nấu với rau ngổ, chuối rém, hoặc trái đu đủ non và nêm bằng mắm prahoc. Đây là món canh phổ thông được dùng ở nhiều nơi. Món bún sòm lo mun mờ chat (bún nước lèo) thì cả người Khmer và người Việt đều có và ưa thích. Ngoài ra, người Khmer còn có món canh vừa chua vừa cay vừa béo gọi là sòm lo mò chu được nấu với cơm mẻ rất đặc sắc, hoặc thêm trái chuối xiêm còn xanh và một ít mắm prahoc gọi là sòm lo mò chu pha le rất ngon.
Do đặc điểm địa hình và sinh hoạt kinh tế, văn hóa Khmer ở Nam bộ chịu tác động rất lớn của  nền văn minh sông nước, mà ở đó người Việt là chủ thể chính. Ở đó nguồn lương thực - thực phẩm chính là lúa, cá và rau quả kể cả các loại rau đồng, rau rừng. Từ sự phong phú, dư dật ấy mà trải suốt quá trình khai hoang dựng nghiệp, món ăn, thức uống hàng ngày của người Khmer cho dù trong hoàn cảnh nào, thiếu thốn đạm bạc, hay đầy đủ ngỏa nguê, họ không thể không khám phá và sáng tạo nhiều phương thức nuôi trồng, đánh bắt để chế biến vô số miếng ngon một cách có bài bản từ những đặc sản của địa phương. Cũng giống như cư dân người Việt sống ở đây, phong cách thưởng thức “mùa nào thức nấy” và quan niệm “ăn để mà sống” của người Khmer hầu có đủ dưỡng chất tái tạo sức lao động, họ đã tỏ ra rất sành điệu trong việc phối hợp các yêu cầu cao nhất của miếng ăn: thơm, ngon, bổ, khỏe. Câu nói “ăn được ngủ được là tiên” rất được người Khmer quan tâm, xem trọng, cho nên ngồi vào bàn ăn, khi chủ nhà giới thiệu món nào, dù là cá thịt hay rau quả, kể cả rượu, họ thường nhắc nói: ăn món này bổ xương, hoặc trị suy dinh dưỡng, bổ gan, bổ phổi...; rượu thuốc này giải quyết được bệnh “tê bại” nhức mỏi; tráng dương, bổ thận v.v... Và không quên “động viên” gắp đũa nằm, hoặc dùng muỗng múc (mới được nhiều), cứ tự nhiên, hãy ăn thiệt tình “đừng mắc cỡ”, thậm chí ép ăn! Dùng bữa, thấy khách ăn nhiều, ngon miệng chủ nhà không thể không cảm thấy sung sướng, hài lòng. Thông thường cho dù gia đình nghèo khó hay khá giả, khi có khách đến nhà họ thường đãi những món quý nhất trong nhà. Qua đó, cho thấy được sự hiếu khách của  họ.
Khẩu vị dân tộc trong món ăn của người Khmer nam Bộ là vị chua và vị cay. Vị chua chủ yếu được lấy từ quả me hoặc “con mẻ” (một loại vi khuẩn nảy sinh từ cơm để chua). Gia vị nổi tiếng này của người Khmer mang vị chua cho món canh chua (xiêm lo mo chu), hoặc món canh  cá dùng với gỏi rau chuối (xiêm lo prohơ)  chấm với “con mẻ” với được người Khmer xem là món ăn thường xuyên trong các bữa ăn. Còn vị cay có trong phần lớn các món ăn của người Khmer có lẽ do ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ từ xa xưa trong cách thức nêm rất nhiều hương vị như tiêu, tỏi, ớt, sả, cà ri,…Người Việt Nam Bộ trong quá khứ tiếp thu một số món ăn truyền thống độc đáo của người Khmer như món “bún nước lèo”, món “canh chua cá lóc” và đã cải tiến, điều chỉnh nó trở thành những món ăn hợp khẩu vị của dân tộc mình. Trong việc sử dụng lượng đạm thực vật từ quả dừa đã thể hiện rõ rệt sự giao tiếp văn hóa giữa hai dân tộc Việt và Khmer Nam Bộ. Trong hầu hết món ăn mặn và ngọt của người Khmer và người Việt Nam Bộ đều có tập quán nấu với dừa qua kĩ thuật nạo cùi dừa khô,nhồi với nước để vắt nước cốt béo, làm tăng thêm vị thơm ngon của món ăn .
Về nơi ăn, với những bữa cơm thường ngày trong gia đình thì tùy điều kiện không gian căn nhà rộng hay hẹp mà bố trí hợp lý: hoặc trên bàn, hoặc ngay trên sàn nhà. Nếu là bạn thân rủ nhau nhậu chơi thì có thể trải đệm dưới gốc cây trong sân vườn hay ngoài đồng, tùy thích. Nhưng khi nhà có đám tiệc thì không xuề xòa mà bày biện cỗ bàn rất nghiêm chỉnh trong tinh thần quý trọng khách mời, tạo nên nét văn hóa rất riêng mà cũng rất chung, hài hòa giữa phong tục truyền thống với đặc điểm văn minh vùng sông nước. Người Khmer đã biết tận dụng, khai thác và chế biến “của trời cho” một cách kịp thời theo “đơn vị tính” thời gian là “tháng”, “ngày” thậm chí “giờ”. Thật đúng như thế nếu ai đó ở vùng đầu nguồn, có việc phải đi xa nhằm vào tháng cá mờm hoặc cá linh non xuất hiện thì đành phải chịu nhịn, vì sau đó chừng một tháng cá mờm đã lớn thành cá cơm, cá linh non cũng thế. Hoặc trong một năm mới có được mấy ngày “cá ra” (nước trên đồng giựt cạn, cá rút xuống kinh, mương để ra sông). Rau trái cũng không khác. Đặc biệt đối với rau, như bông điên điển, rau dừa, rau muống... nếu hái muộn, từ lúc trời đã trưa nắng đến chiều sẽ không giòn, mất ngon, chức năng kích thích thèm ăn, ngăn chống lão hóa của rau do đó cũng bị giảm rất đáng kể.
Văn hóa của người dân tộc Khmer có xuất phát điểm từ rất sớm. Dân tộc Khmer với nền văn minh lúa nước đã tạo cho mình một nét văn hóa khác hẳn trong nghệ thuật ẩm thực. Nền văn minh lúa nước của người Khmer đã kéo theo nếp ăn uống đặt thù trong đời sống ẩm thực. Và nét đặc thù đó đã làm nên một diện mạo riêng cho người Khmer. Nếu người Trung Quốc với những món ăn giàu chất tinh bột được làm từ lúa mì, lúa mạch thì người Khmer Nam bộ thức ăn chủ yếu được làm từ gạo, nếp. Đây là nhóm sản phẩm đặc thù của nền văn minh lúa nước.
 Trong bữa ăn của người Trung Quốc, những chiếc bánh bao nóng hổi, những chiếc bánh giò-cháo-quẩy giòn tan có thể là món ăn chính. Nhưng với người Khmer, trong bữa ăn chính của họ không thể thiếu món cơm. Đó cũng là một sự khu biệt rõ ràng. Đối với thức ăn đi kèm bữa chính, người Khmer không thể thiếu các món ăn được chế biến từ mắm, từ khô của các loại cá. Nhưng đối với nhiều dân tộc khác thì món ăn đi kèm cũng là các loại cá nhưng được chế biến tươi sống. Tại sao người Khmer lại chuộn các loại thức ăn được chế biến từ mắm, từ khô? Đối với họ, đồng ruộng mênh mông lúa nước vừa là nơi ở, nơi sống; vừa là tài sản; vừa là quê hương. Và đồng ruộng mênh mông lúa nước đó lúc nào cũng vậy, lượn lờ dưới những gốc lúa là những đàn cá đen bóng. Do lượng cá dồi dào, lúc nào cũng có sẵn và thời gian rảnh rỗi sau những vụ mùa khá dài nên họ đã tự tìm cho mình những loại thức ăn mới bằng chất liệu là những con cá có sẵn quá nhiều (lượng cá dư thừa) xung quanh ruộng đồng của mình. Có lẽ đó chính là tiền đề để xuất hiện các loại mắm khá phong phú ở vùng có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Những sản phẩm chính từ lúa, nếp và những sản phẩm đi kèm như các loại tôm, cá... Của nền văn mình lúa nước chính là nguồn nguyên liệu dồi dào góp phần làm nên sự phong phú trong đời sống ẩm thực của người Khmer. Cũng với lượng cá dư thừa trên, họ lại chế biến cho mình một loại nước chấm đặc biệt, chỉ có những vùng, miền dư thừa cá mới làm, đó là: Nước mắm. Nước mắm vừa là gia vị, vừa là một loại thức ăn không thể thiếu trong bữa ăn của người Khmer. Chúng ta có thể thấy sự khác biệt này khi nhìn thấy trên bàn ăn của người Trung Quốc - dân tộc Hoa các loại nước chấm được chế biến từ ngũ cốc như nước tương, tàu-vị-yểu, hắc xì-dầu... Chứ không phải... nước mắm.
Cũng bởi nền văn minh lúa nước chi phối, người dân tộc Khmer quanh năm phải sống dưới đồng sâu hun hút, phải chịu đựng cái lạnh của gió, của nước nên các thức ăn, món uống của họ cúng mang tính chống chọi lại thời tiết, thiên nhiên. Có người nói: Khẩu vị người Khmer thật lạ, món mặn thì mặn đến tê đầu lưỡi, món đắng thì đắng đến thanh cổ họng. Thật vậy, nếu có dịp về An Giang, hẳn không ai có thể quên được vị đắng thanh của món Gỏi sầu đâu, đó là món ăn riêng của người Khmer Nam bộ và là đặc sản của vùng Bảy Núi. Món gỏi này được người Khmer chế biến từ ngọn bông chưa kịp nở của cây sầu đâu (một loại cây thân gỗ họ xoan, bông ăn được, rất đắng) pha chút ít sự mặn mà của con mắm, con khô. Đối với vùng sông nước, ruộng đồng Cà Mau - Bạc Liêu thì món mắm Pà-hoóc lại là món ăn dân dã, trong bất kỳ gia đình Khmer nào (thông thường) cũng đều có một vài khạp để dành ăn trong mùa khô (mùa khó kiếm được thức ăn). Nói đến món ăn của người Khmer Nam bộ, thiết nghĩ, cũng cần phải nhắc đến món canh Soom-lo thơm lừng mùi thính (gạo rang vàng, xay nhuyễn) và vị đắng, nhẫn đặc biệt của cọng rau ngỗ mọc khắp các kênh mương.
Lại cũng bởi nền văn minh lúa nước chi phối nên ta còn thấy được sự khác biệt trong cách ăn uống của người Khmer. Người Khmer ở Nam bộ xa xưa vẫn thường dùng tay không để đưa các loại thức ăn vào miệng thay cho đôi đũa. Bởi như vậy sự ăn uống sẽ "gọn" và nhanh hơn khi phải ăn uống ngay trên đồng ruộng dưới cái nắng như đốt cháy da thịt và những cơn mưa bất chợt tối trời nổi lên. Nhưng hiện nay, dùng tay để đưa thức ăn vào miệng đã không còn phù hợp với xu thế phát triển như vũ bão về văn hóa mới. Họ đã dùng muỗng, nĩa để thay thế. Và vì phải sống quần cư với các dân tộc khác, nhất là dân tộc Kinh nên đôi đũa đã trở thành công cụ chính thức thay thế muỗng, nĩa hoặc đôi bàn tay chai sạm của người Khmer.Có một điểm chung với các dân tộc Đông Nam Á, người Việt Nam, hay Khmer là cùng sống với nền văn hóa nông nghiệp, trồng lúa nước... Do vậy, thức ăn, thức uống đều cải biến từ các loài động, thực vật sống trong vùng. Hài hòa trong mùi vị, trong màu sắc, điều hòa cả âm dương. Nếu nói con người ta cũng có lúc, vì nguyên nhân nào đó - xem chuyện ăn uống cốt để nuôi sống bản thân, tồn sinh cơ thể con người: “Đói ăn rau, đau uống thuốc” thì có lúc, có nơi nhu cầu cao hơn, người ta ăn uống còn là chuyện văn hóa giao tiếp, lễ nghĩa, là niềm vui, niềm hạnh phúc của bản thân, gia đình với xã hội... Tục ngữ có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đó sao!
   Các dụng cụ dùng để nấu ăn của người khmer thường bằng đất nung rất độc đáo như nồi ( snăng) , để nấu cơm, nấu cháo, nấu canh; chảo (khét) để xào; chõ (là pul) để đồ xôi; khuôn làm bánh khọt (pum) … tiêu biểu nhất là chiếc Cà ràng, một loại bếp nấu truyền thống của người Khmer, có thể vừa đun nấu vừa cời than ra để nướng. Với một đay rộng, cà ràng bằng đất nung có thể có thể sử dụng để nấu tiện lợi, nhiều hiệu quả trên mặt đất lẫn trên ghe – vì địa bàn sông Cửu Long  có nhiều sông rạch. Ngoài ra , người Khmer còn có các dụng cụ gốm dùng để đựng nước, đựng ngũ cốc rất độc đáo như cái tum, cà om có dạng bình miệng nhỏ, cổ khuyết và thân hình phình tròn.
2.3. Một số món ăn đặc trưng của người Khmer.
F Món mắm
Người khmer nam Bộ sử dụng lựơng đạm động vật chủ yếu trong bữa ăn hàng ngày của họ gồm tôm, cá nhỏ, ba khía, ếch nhái do họ tìm bắt được ở mương, rạch, ruộng. Nếu người Việt có món nước mắm và các loại mắm là món ăn truyền thống, hợp khẩu vị dân tộc thì người Khmer nổi tiếng là món mắm prahok là đặc trưng của dân tộc Khmer. Mắm prahok có thể chế biến bởi cá đồng lẫn cá biển, cá nhỏ hoặc cá to. Ở nam Bộ, mắm prahok của người Khmer thường làm bằng cá đồng và thông dụng nhất là câ lóc. Ngoài mắm prahok còn có các loại  mắm khác như mắm Bà Ok, mắm Ơn pứh làm bằng tôm tép, mắm Pơ ling làm bằng cá sặc.
Các thứ mắm kể trên có thể sử dụng bằng nhiều hình thức như ăn sống, chưng chiên hoặc kho. Các món ăn mặn có tính cách thường xuyên của người Khmer hầu hết đều được nêm bởi mắm Prahoc, như là một hương vị đậm đà không thể thiếu. Cách chế biến mắm của người Khmer khác với người Việt ở điểm ngoài cá và muối, bà  con còn them tỉ lệ 1/3 cơm  nguội vào so với lượng cá và sự lên men sẽ kéo dài từ 4 tháng trở lên. Người Khmer đặc biệt yêu thích dùng và chế biến những món ăn ở dạng nem, chả, nhất là chả cá (pha- ak) được hoàn thành trong quá trình lên men của thính (túc gạo rang vàng giã nhuyễn).

Ä Người Khmer nổi tiếng với món mắm prahok (người Việt gọi là bò hóc vì hiện tượng biến âm r). Món mắm prahok ngon nhất của người Khmer là mắm “bò hóc ốp” (mắm bò) là mắm cá có màu vàng rục và mềm. Mắm này làm bằng cá trê vàng, là cá đồng sống trong môi trường tự nhiên làm mắm mới ngon vì cá nuôi sẽ rất nhiều mỡ, mỡ tươm ra mắm không để lâu được, trở màu sậm đen. Ngày xưa nhiều cá, người ta xuống tát đìa, đặt xà ngom để bắt cá trê làm mắm bò hóc ốp. Mắm bò hóc ốp càng để lâu mùi và vị càng mặn nồng, ăn với thịt heo đùi hoặc ba rọi luộc, thái lát mỏng, cuốn bánh tráng chấm mắm ăn rất ngon.
Cách làm mắm bò hóc ốp cho ngon rất công phu, phải làm bằng cá trê vàng rửa sạch, để ráo nước, lấy vải mùng thưa, sạch đậy lại để tránh ruồi bu. Ngày hôm sau cá hơi ươn, để cá dưới vỉ tre ướp muối cho trở. Một tuần sau nấu đường trộn với nếp nấu chín và muối sắp vô mắm rồi chao một lần. Một thời gian sau chao thêm lần nữa rồi rắc thính, lúc đó con mắm ốp khô ráo, mềm. Để mắm trên ba tháng ăn mới ngon. Đặc biệt là ăn với cơm nóng rất hấp dẫn. Người Việt và người Hoa ở Sóc Trăng cũng ăn quen mắm bò hóc.
Trước kia người Khmer làm nhiều mắm bò hóc để bán, nay chỉ làm để ăn trong nhà. Mắm prahok không còn là “mắm hàng hóa” nữa, vì cá ngày càng hiếm, giá cá cao, làm mắm bán không lời.
ð Nói chung - mắm là món chi phối tất cả món ăn khác như còn được nêm vào rất nhiều món (đây là vị nêm đặc thù của người dân tộc) như vào canh sim lo, bò xào lá giang, canh môn, nước bún cari... hay làm nước chấm cá nướng, ếch nướng, rắn nướng...  
F Các loại bún nước (Num b”chốc)
     Các món nước đi đôi với bún cũng rất phong phú, đa dạng như bún nước cá, bún nước ngãi, bún cary… Nước để ăn cùng món bún thường nấu với cá lóc, cá trê, hoặc tép, tôm khô… được rỉa ra từng miếng nhỏ vào trong nồi nước tổng hợp, có gia vị, nấu với ngãi (Bún ngãi), nấu với sả, nghệ, cary (Bún cary)…nhưng đặc biệt phải có chấm vào một ít chất nêm của mắm (Bò hốc) và chút nước cốt dừa. Riêng bún thì không mua ở các lò mà tự làm bằng gạo xay thành bột, rồi rút và ép bằng cối thủ công nên cọng bún dai, và lớn hơn bún thường bán ngoài chợ của người Việt. Kèm với bún là gỏi gồm chút giá, chút bắp chuối xắc mỏng hay rau muống xắc mỏng, ít rau thơm như rau răm, rấp cá, quế… Đặt nồi nước đun sôi liên tục, cho gỏi vào đáy tô, rồi bún, cá… đổ nước vào, chắt ra 2 lần cho bún và gỏi thấm nóng, xong cho nước vào ngang mặt bún, rải lên vài miếng rau thơm và đôi ba trái ớt hiểm (giống ớt chim ỉa ), riêng bún cary, bún ngãi có nơi rắc lên thêm ít đậu phộng đâm nhỏ, nếu ai ăn mặn thì nêm thêm nước mắm trong. Đặc biệt ngon nhất trong các món bún là bún nước lèo.
Ä Bún nước lèo đã có từ những năm 50 của thế kỷ trước. Vùng Sóc Trăng và Trà Vinh là quê hương của món bún nước lèo. Nước lèo ngon phải trong, ngọt và thơm lừng mùi mắm! Rau ghém của nó phải là bắp chuối, xắt mỏng ngâm nước lạnh, vắt chanh để ghém có màu trắng đục mới đúng điệu! Một vốc tay bún trắng sợi mỏng, một nạm ghém, ít rau thơm, và vài giá nước lèo cùng ít lát thịt đùi hoặc ba rọi, hoặc cá lóc... ta sẽ có một tô bún mắm nước lèo tuyệt hảo! Giá cả loại thức ăn này bình dân, phù hợp với túi tiền của nhiều giới, nó lại lạ và ngon nên ngày nay rất phổ biến ở các tỉnh Nam bộ... Và cũng từ cái món bún nước lèo có nguồn gốc của dân tộc Khmer, cộng với cái lẩu của người Hoa, người ta đã có món lẩu mắm với nhiều cải tiến đặc sắc. Lẩu mắm hiện thời gồm rất nhiều nguyên liệu như: tôm tép, mực, cá đồng, lươn, thịt bò, cá kèo, lòng lợn, thịt quay và cả... tàu hủ tươi, chiên! Món lẩu mắm ăn kèm với nhiều loại rau chợ như: cải xanh, giá, cà phổi, khổ qua, bắp cải, rau muống tàu; rau ở vườn gồm: cù nèo, tai tượng, bông súng, mùng tơi, bông so đũa, bắp chuối xiêm, rau nhút...
F Các món canh.
   Người Khmer có rất nhiều món canh nóng, phải kể phong phú nhất là canh Sim lo, gồm nhiều thứ chế biến vào như: Canh Sim lo thập cẩm, sim lo mít, sim lo bình bát…Các món canh như canh môn, canh thốt lốt non, canh củ hủ dừa, củ hủ đủng đỉnh…
Nếu như Sim lo của người Việt được bào chế bằng nhiều thứ như bắp chuối xắt nhỏ, nấu với đầu hoặc xương cá khô, thêm chút mắm, gia vị, rau om, nhiều ớt… thì canh Sim lo của người Khmer khá phong phú hơn. Và dù nấu với bất kỳ thực phẩm thực vật nào, thì cũng phải có chút vị mắm (Bò hốc) làm chuẩn (mắm cá sặt càng ngon). Mắm cho vào nước nấu thật nhừ, lược bỏ xương, lấy nước rồi cho vào ba bốn gốc sả đập dập. Nếu nấu với mít non, cho mít non vào, nấu với bình bát cho bình bát vào, cá lóc rỉa lấy thịt, nếu không cũng là tép, tôm khô bỏ vào nấu…
Ta đặt thí dụ, nấu với bình bát tuy công phu, nhưng đã nói là nghệ thuật mà. Bình bát là loại dây có lá hình 3 góc bầu màu xanh đậm, có trái nhỏ như dưa chuột, bằng tay út, chín màu đỏ tươi, thường mọc hoang ngoài hàng rào, vườn cây sau hè, rất dễ tìm kiếm. Lá bình bát, măng tươi hoặc khô xắt miếng mỏng và một bụm nấm rơm cho vào nấu chung. Nồi canh ngon hay không là nhờ có vị mắm, cá lóc rỉa nhỏ, chất ngọt của lá bình bát… và không thể thiếu nữa là đôi ba trái ớt hiểm. Trước tô canh nóng, gắp một đũa vừa có bình bát, vừa có măng, nấm rơm có lẫn miếng thịt cá lóc cho vào miệng. Chầm chậm nhai, ta sẽ tận hưởng chất ngọt mặn và mùi thơm của mắm, vị cay của sả, ớt làm ngất ngây khứu giác và vị giác. Chan miếng canh vào chén, lùa miếng cơm vào miệng nhai, vị ngọt của tinh bột làm tê đầu lưỡi, buộc ta phải ực một ly rượu đế. Món này ăn vào ngày nắng nóng sẽ làm cho lỗ chân long ta tứa mồ hôi, còn ăn vào ngày mưa lạnh thì giúp cho cơ thể ta ấm lại.
Một điểm khác nữa là, những món ăn của người Khmer luôn gắn với các loại măng, và thịt bò. Mùa mưa thì có măng luộc chấm nước mắm trong, măng chua nấu canh, hay xào ếch, xào gà, xào thịt bò… Măng khô thì kho với thịt heo, thịt bò… và hình như nhà nào cũng có dự trữ măng và mắm! Riêng bò với người dân tộc như là “vật bất ly gia”. Họ nuôi bò dùng vào việc cày bừa, kéo xe…, để tham dự Hội và cũng để ăn thịt! Tất cả các đám, lễ trong năm hầu như thịt bò là được người Khmer dùng để thết đãi. Bò dễ chế biến hay do khoái khẩu còn là vấn đề khác, song thịt bò với bữa tiệc người dân tộc thì đa dạng. Nào là bò xào lá giang, nhưng phải ướp nghệ, có nêm nước cốt dừa và bò hốc. Bò xào măng chua, xương bò hầm măng tươi, bò kho, lòng bò luộc, hay cháo bò v.v… nhưng hình như sự giao thoa ẩm thực với người Việt cùng chung sống ở Nam bộ đã biến dạng nhiều, món ăn không còn thuần của dân tộc nào, nhất là thịt bò, mà thuộc về khẩu vị đã qua chắt lọc cần thêm, cần bớt qua thời gian của những nhà đầu bếp nghệ thuật trước nhu cầu hội nhập giao thoa ẩm thực ngày nay. Còn nữa, rất nhiều món giao thoa giữa Kinh và Khmer, chưa thể kể hết ở đây một cách tường tận, như ếch nướng, chuột nướng chấm “bò hốc”, nước cua đâm nấu cháo môn với lươn, hay rắn nướng lèo, cá lóc nướng rơm.v.v…
FBánh và thức uống.
Ta có thể nêu ra ở đây một vài món bánh, thức uống đặc thù từ chất liệu có một không hai của người Khmer, đó là bánh thốt nốt. Bánh được làm bằng trái thốt nốt già, bẻ xuống, chà vào rổ lấy bột, để sau đó trộn với bột gạo, chút dừa nạo, cho vào lá gói (từ lá rừng, lá thốt nốt, nay có cả lá dừa), rồi đem hấp cho bánh nở lên như một búp hoa bằng nắm tay, màu vàng tươi, vị ngọt tinh khiết và mùi thơm đặc trưng của loại trái thốt nốt rất riêng biệt. Một số bánh khác cũng từ chất liệu địa phương như: bánh gừng, bánh lăng bí, dưa củ riềng, nem Sarây…
Cũng từ cây thốt nốt, nước thốt nốt ngọt, làm đường thốt nốt rồi đến rượu thốt nốt chua là một đặc sản rất thuần túy mà người Khmer ở đây luôn gắn bó và tự hào với loại cây trồng “thế kỷ” của cha ông để lại. Nếu ngày xưa lấy nước thốt nốt bằng ống tre, được dày công cưa gọt từng lóng bóng sạch trước khi đem đi đặt phải hong lửa cho cây khít thịt và để một vài miếng dăm cây Sến lấy từ trên rừng để tạo cho nước ngọt thêm, không bị ố chua thì ngày nay chỉ cần ra chợ mua cái keo mủ 2-3 lít về cột dây rồi đem lên cây đặt lấy nước, thật là đơn giản. Nước có ngon hay không là một vấn đề, song ở đây muốn đề cập là món ngon từ cây đặc sản. Nước uống tươi nguyên chất, vị ngọt thanh tao, ngày nay các quán chế thêm vào ly có đá, cùng cơm trái thốt nốt non, vừa cứng, được xắt mỏng, làm ly thốt nốt lạnh! Nước thốt nốt ngày nay phần lớn khi thu hoạch về chủ yếu nấu lấy đường, làm đường chảy hay đường tán, đường thẻ. Dùng đường tán uống nước trà là món điểm tâm ưa thích thường nhật của các sư sãi trong chùa của người Khmer, và dùng để đãi khách. Rượu thốt nốt chua là loại đặc sản nhưng ngày nay rất ít người làm. Theo tìm hiểu, nước thốt nốt lấy trên cây về, người ta cho một loại cây men, được chặt nhỏ như miếng thuốc Nam vào ủ trong một ngày đêm thì nước có mùi chua như bia lên men, độ cồn khoảng 15-20 độ, uống có hương vị thơm chua rất đặc biệt. Rượu thốt nốt chua hiện đang dần dần mai một.
ðTóm lại, ẩm thực của người Khmer, còn rất nhiều món dân dã, mộc mạc khác gắn với động vật, cỏ cây, không xen lẫn dân tộc anh em trong vùng. Tuy nhiên thời gian cũng bị sự giao thoa qua lại nên việc chế biến dần dần cũng lợt đi bản gốc. Chẳng hạn, ngày nay hiếm có nhà người dân tộc ở chợ búa còn làm “bò hốc” nữa, đó cũng là lẽ thường trước nhu cầu và những món ăn công nghiệp hiện nay.
F Các loại bánh cổ truyền được làm trong dịp lễ tết.
Đồng bào Khmer Nam Bộ thường làm rất nhiều bánh ngọt cổ truyền nhất là vào những dịp lễ tết, đám cưới, đám làm phước. Bánh làm xong thường được đựng trong các gói ( giỏ đan bằng lá dừa) để đưa vào chùa tặng các vị sư sãi hoặc tặng ông bà, cha mẹ, họ hàng, láng giềng và tặng những vị ân nhân của gia đình như thầy thuốc, thầy giáo,… Hiện nay, ở Nam Bộ phụ nữ Khmer làm phổ biến nhất là bánh củ gừng ( num khnhây) bằng bột nếp quết nhuyễn, rây kĩ, phơi khô rồi nhồi với trứng, nắn thành hình củ gừng, con cá, con cua xong đem chiên và ngào đường. Bên cạnh đó là bánh ăn trộm (nùm chô) bằng bột gạo nắn thành hình tròn hay vuông, chiên nổi phồng lên rất khéo léo. Như vậy, món bánh cổ truyền của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước lâu như người Khmer Nam Bộ, không thể không chọn chất liệu chính là lúa nếp, hạt gạo được. Cũng như món cốm dẹp, một món ăn cổ truyền mang tính đặc trưng dân tộc không thể thiếu trong lễ hội “Okang bok” ( lễ chào mặt trăng) – một hội lễ gắn với chu trình trồng trọt các loại ngũ cốc và cầu mùa màng. Món cốm dẹp được làm từ những hạt lúa non mới gặt còn thơm ngát, đem rang lên có ngào thêm nước quả thốt nốt. Cơm dẹp vừa ngọt vừa béo vừa thơm, nếu ai dùng qua một lần sẽ nhớ mãi hương vị hiếm có từ món ăn đặc sản của đồng bào Khmer. Khi ăn, bạn nhớ lấy đường, dừa nạo mỏng rắc lên trộn đều là dùng được ngay. Mỗi năm đến mùa lúa chín từ tháng 12 trở đi, tiếng chày khua cắc cụp, cắc cụp hoà lẫn tiếng cười đùa của trai, gái sẽ vang khắp các phum sóc. Những bàn tay của người Khmer uyển chuyển nhịp nhàng giã cơm dẹp. Cơm dẹp được chế biến từ loại nếp do đồng bào Khmer cấy vào màu lễ hội Đôn Ta (khoảng tháng 9-10 âm lịch). Nếp phải được gặt từ ruộng về không chín quá, chỉ đỏ đuôi bông cái, khi gặt về đập lấy hạt, sau đó cho vào chảo, rang nóng đều, đổ vào cối giã nguyên vỏ, đến khi hạt nếp dẹp lép bóc ra từng ngụm, cho vào cái nia sẩy nhiều lần để không còn vỏ nếp, trở thành hạt nếp bị quết dẹp nên được gọi là cơm dẹp. Nhiều nơi món ăn này còn có tên là cốm dẹp.
 Đặc biệt hơn, trong ngày “đôn ta” – ngày giỗ kỵ ông bà – người Khmer vắt cơm, xôi thành những cái bánh tròn, gọi là hai bảnh để mang tới cúng ở chùa. Đó là những món bánh cổ truyền, tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng đã chứa đựng trong nó cả một cảm thụ sinh động đầy dân tộc tính của một cư dân trồng lúa nước.
Trong lễ cưới của người Khmer hầu như không thể thiếu ba loại bánh (nùm) ngọt cổ truyền để bày lên bàn thờ, đó là bánh quạt (nùm plach), bánh củ gừng (nùm khnhây) và bánh bông lan (nùm pel). Ba món bánh này được bày bằng cách xâu kết lại khéo láo vào nhau thành hình dáng ngôi tháp Khmer.
Cũng như nhiều dân tộc ở Đông Dương, người Khmer Nam Bộ sử dụng bánh tét rất phổ biến, gồm các loại: Bánh nhân thịt (nùm chsach), bánh nhân đậu xanh (nùm chruk), bánh nhân chuối (nùm tiêl), bánh nhân dứa (nùm đôl) … vào những dịp đầu năm mới. Trong quá trình cộng cư trên địa bàn Nam Bộ, người Khmer và người Việt thường ảnh hưởng lẫn nhau kể cả trong những món bánh, như nùm pha ại giioongs như chè trôi nước; nùm lột giống bánh da lợn; nùm ọn chệt giống bánh xèo nhân ngọt; nùm pọng giống bánh bò…
Trong những lễ hội của người Kh'mer Nam Bộ, không thể thiếu được hai loại bánh neng nóc và bánh dây. Hai loại này mang hương vị đặc trưng Kh'mer, từ cách rây bột đến làm nhân bánh.Từ xưa đến nay cứ vào dịp lễ, tết người Kh'mer Nam Bộ thường làm bánh neng nóc (bánh tổ yến) để cúng lễ và không biết tự bao giờ nó đã trở thành một loại bánh không thể thiếu trong những dịp vui vẻ của người Kh'mer. Tuy vậy bánh neng nóc ngày nay lại rất ít được lưu truyền trong đồng bào Kh'mer Nam Bộ vì nó đòi hỏi phải có một bàn tay khéo léo để rây bột cho đều, nếu không bột sẽ bị vón cục vừa không đẹp, vừa ăn không ngon. Nguyên liệu để làm bánh gồm có bột gạo, đường mè (còn gọi là rừng), mứt bí, mỡ (dầu ăn) và mầu tự nhiên của nghệ, lá dứa, lá cẩm. Trước tiên bột được nhồi bằng nước nóng xong đập thành sợi mành (dùng tay đập, người Kinh gọi là nhào), sau đó bằng những ngón tay khéo léo bột được rây trên chảo nóng có tráng mỡ và dần được định hình giống như tổ yến. Bí quyết để làm bánh này là phải dùng lửa hợp lý, nếu không bánh sẽ bị khét và kỹ thuật xếp thành bánh đòi hỏi phải có sự khéo léo. Người làm bánh cho nhân bánh là mứt bí đã được xào trước với đường, mè vào giữa rồi nhẹ nhàng xếp lại. Bánh tổ yến khi ăn nóng sẽ giòn và nổi mùi thơm hơn là để nguội mới ăn. Theo lời kể của những người lớn tuổi bánh neng nóc đã có từ lâu lắm rồi và được các bà cố trong phum, sóc truyền lại cho con cháu. Ngày nay duy nhất chỉ còn gia đình chị Tăng Thị Pha và Tăng Thị Bạch Tuyết ở Vĩnh Châu còn làm loại bánh này. Bánh chỉ xuất hiện trong các dịp lễ hội của người Kh'mer với hàm ý biết ơn trời đất cho mưa thuận gió hòa đồng thời mong muốn có được niềm vui gia quyến đoàn tụ.
Bánh dây hay còn gọi là bánh dứa cũng là loại bánh đặc trưng của đồng bào Kh'mer dùng trong các dịp lễ hội với ý nghĩa tạ ơn trời đất giống như chiếc bánh neng nóc. Chính vì thế cách làm bánh dây cũng gần giống bánh neng nóc, chỉ khác ở chỗ bánh được làm từ bột nếp và hình thức của vỏ bánh đơn giản hơn. Bột nếp đã xay, được nhồi thật nhuyễn, dùng rỗ rây nhỏ bột đều trên chảo nóng đã tráng qua lớp mỡ. Nhân bánh có thêm dừa xào với mứt bí, đường, mè cho ngấm, rải đều lên trên lớp vỏ trong chảo và gấp bột bánh lại là đã có một chiếc bánh ngon. Bánh dây là một loại bánh dân gian được làm đơn giản hơn bánh tổ yến nên nhiều người Kh'mer còn dùng nó trong sinh hoạt hằng ngày và làm bán mời khách du lịch thưởng thức một món ăn cổ truyền của người Việt Nam mang đậm phong cách dân tộc Kh'mer Nam Bộ.
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.
ð Tóm lại, ăn uống của người Khmer Nam Bộ phản ánh  rõ sắc thái đậm đà trong văn hóa cổ truyền của dân tộc, đồng thời nó cũng thể hiện yếu tố giao tiếp văn hóa với các dân tộc cùng cộng  cư  ở Nam Bộ, đặc biệt rõ rệt nhất là người Việt.
3. Kết luận.
Người Khmer vốn có trí thông minh rất nhạy cảm trong việc tiếp thu cái mới, mọi cách làm ăn, mọi hình thái văn hóa của các dân tộc anh em; song, do hạn chế về trình độ, họ tiếp thu một cách không ồ ạt không chọn lọc, nên dễ chịu ảnh hưởng  nền văn hóa của các dân tộc anh em: một số thanh niên hiện nay quên cả tiếng nói và thuần phong mỹ tục của dân tộc mình, thậm chí đàn bà con gái không còn mặc áo “bom-pong” hay “xa-rong”, một loại áo truyền thống dân tộc. Nếu phải mặc như vậy, họ cảm thấy xấu hổ. Cũng tương tự như thế, trong ăn uống, họ cũng cảm thấy xấu hổ mỗi khi người anh em dân tộc khác nói: “Anh ăn prôhốc”, vì họ nghĩ rằng, người ấy nói họ ăn đồ “dơ dáy bẩn thỉu”. Thật là có lý khi ai đó cho rằng: “hình dáng, hương vị của những món ăn dân tộc, gợi cho ta nhớ về cội nguồn, về quê hương xứ sở”.
Lối sống biến đổi theo lịch sử và hệ thống dinh dưỡng của các dân tộc khác nhau được quy định, không chỉ bởi các điều kiện địa lý, truyền thống của dân tộc mà về mặt xã hội. Còn bởi mức độ phát triển sản xuất. Với tinh thần nghị quyết Trung ương khóa 5 về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, văn hóa ẩm thực của người Khmer có nhiều điều kiện được bảo tồn và phát triển.
@@@@@&-&-& - HẾT - &-&-&?????
Tài liệu tham khảo:

- Giáo trình Dân Tộc học đại cương – Lê Sĩ Giáo (chủ biên), Nhà xuất bản Giáo Dục, tháng 10/2007.
- Nhận diện Văn hóa các Dân tộc Thiểu số Việt Nam - Nguyễn Đăng Duy, Nhà xuất bản Văn Hóa Dân tộc, ngày 03/06/2004.
- Việt Nam Văn hóa và Du lịch – Trần Mạnh Thường, Nhà xuất bản Thông Tấn, ngày 27/10/2004.
- Văn hóa ẩm thực Nam Bộ - Nguyễn Hữu Hiệp. www.vanhoahoc.edu
- Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam – Ngô Đức Thịnh( chủ biên), Nhà xuất bản trẻ, tháng 05/2010.
- Cơ sở văn hóa Việt Nam – Trần Ngọc Thêm, Nhà xuất bản giáo dục, tháng 01/2000.

















3 nhận xét:

  1. Cảm ơn bài viết của anh rất nhiều! Hay quá anh à! Em đang cần t2m tài liệu nghiên cứu ề văn hóa ẩm thực Khme, may mà tìm được bài viết này của anh.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết rất hat, cảm ơn ad rất nhiều, đúng thông tin mình đang tìm hiểu.
    nhà hàng lẩu Nhật Bản tại tphcm
    nha hang lau nhat ban tai tphcm

    Trả lờiXóa
  3. Chúng ta cần biết các tu the quan he bang mieng an toannhung cach lam tinh lau xuat tinh cho nam giới. Nhiều người thắc mắc xuất tinh nhiều có bị đau lưng không và ngoài ra thì xuat tinh nhieu co hai gi cho suc khoe lâu dài không.Và xuat tinh ngoai co the mang thai khong để có biện phấp phòng tránh.

    Trả lờiXóa