Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

SÀI GÒN VỀ ĐÊM


Tác giả: Nguyễn Hồng Nhựt
     Tôi sinh ra và lớn lên tuốt tận miền Tây sông nước, có hai mùa mưa nắng. Từ một cậu học trò ở trường làng nay tôi đã là sinh viên năm thứ ba của một trường đại học tại Sài Gòn. Sài Gòn mỗi một ngày đi đi về về với cuộc sống lo toan hàng ngày, giữa chốn thị thành ồn ào náo nhiệt và vội vã… tất cả như muốn xô ngã tôi theo dòng chảy của cuộc sống tấp nập ngoài phố xá kia. Cảm xúc trong tôi đôi lúc cũng lắng đọng đôi chút về nhịp sống thường nhật, nơi mà hàng ngày tôi cũng bị cuốn hút vào dòng chảy của cuộc sống đó. Mỗi đêm tôi lại lạc bước vào thành phố xa hoa và tráng lệ này, tôi luôn bị cuốn hút và ngỡ ngàng với cái đẹp tìm ẩn của Sài Gòn về đêm. Nếu một ai đó cho rằng mình đã đi hết các danh lam thắng cảnh của Sài Gòn thì chắc hẳn một điều họ chưa cảm nhận được trọn vẹn cái linh hồn của thành phố đó trong thời khắc chuyển mình về đêm với những ánh đèn lung linh huyền ảo. Và dường như những ánh đèn lung linh huyền ảo ấy đã trở thành một biểu tượng văn hóa và nó ghi dấu những ấn tượng khó quên đối với những ai từng một lần đặt chân đến thành phố này dẫu biết rằng không phải chỉ có mỗi Sài Gòn mới có những ánh đèn về đêm.
     Sài Gòn đêm đẹp kỳ lạ. Trong đêm những con đường vắng tênh mờ ảo với ánh đèn vàng. Gió lồng lộng thổi, những hàng cây cao vút im lìm, ngả bóng lòa xòa dưới đường như trò chuyện với mình. Phố thì cây cao vút xếp hàng như mở ra một tòa thánh đường đô thị - hồn cốt của một thời quá vãng, đêm về chợt hiện ra. Phố thì rợp trời me bay, lòa xòa những tán lá nhỏ chập chờn ký ức. Vừa chạy xe tôi vừa nghêu ngao hát:
“Ta như cậu bé mồ côi
Cố vui cuộc sống nhỏ nhoi
Cố quên ngày tháng lẻ loi để lớn
Để đêm đêm nhớ về Sài Gòn
Thấy mình vừa trở lại quê hương
Đã gặp người một trời yêu thương
cho lòng thêm chút ấm
Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau ”…
   Gió vẫn thổi không ngừng, khúc biến tấu của đêm với tiếng lạch cạch của hủ tíu gõ. Những cảm xúc cứ tràn ngập trong tôi làm xua tan đi nỗi nhớ quê nhà da diết của một người con xứ lạ.
     Sau một ngày lo toan với những bộn bề của cuộc sống, vào lúc những con phố vừa lên đèn cũng là khi cuộc sống về đêm của đô thị này mới bắt đầu. Thoảng chút hơi se lạnh, Sài Gòn bỗng trở nên thật gần gũi, dễ mến với người dân nơi đây hay bất kỳ du khách bốn phương nào. Và dường như ai cũng muốn tạm gác mọi công việc của mình lại để đắm chìm vào một Sài Gòn hiện lên thật quyến rũ trong ánh đèn đường, một thành phố tưởng chừng đang ngủ nhưng chưa bao giờ được yên giấc. Bức tranh Sài Gòn về đêm hiện lên thật lung linh và nhiều sắc màu. Từ nhà thờ Đức Bà cổ kính, đứng suy tư giữa lòng đô thị, đến chợ Bến Thành cũng trở nên hiền hòa hơn sau một ngày tấp nập người mua kẻ bán. Dưới ánh đèn lúc ẩn lúc hiện, những kiến trúc cổ ấy như góp phần tô điểm thêm sắc màu cho cuộc sống về đêm của người dân Sài Gòn . Không lung linh rực rỡ như đèn hoa ngày tết, nhưng cũng đủ làm tôi lắng mình trong một quán cafe nào đó, phóng tầm mắt bao quát cảnh thành phố đêm, và chợt nhận ra rằng thành phố này thật xinh đẹp và yêu kiều biết bao.
     Đêm Sài Gòn lung linh nhiều màu sắc, sống động và chân thực. Từ mỗi con đường góc phố, quán cafe đến những ngôi chợ nhỏ sinh hoạt thâu đêm suốt sáng, những mảnh đời lặng lẽ trong đêm, tất cả đều góp phần tạo nên một Sài Gòn về đêm chẳng mấy khi chịu lặng dừng nhịp sống. Có người lại bảo Sài Gòn không có giấc ngủ khuya. Điều này có lẽ đúng! Và dường như chỉ có thể cảm nhận một cách chính xác nếu một đêm nào đó có dịp thao thức cùng Sài Gòn, hòa mình vào hơi thở của một thành phố đô thị phát triển vào bậc nhất của cả nước....
    Sài Gòn về đêm không chỉ gợi cho chúng ta những cảm nhận khó quên về những ánh đèn đô thị mà đặc biệt hơn là những quán ăn đêm.
     Nói đến ăn đêm, người ta thường liên tưởng đến Hà Nội. Đơn giản vì Hà Nội lạnh. Nhất là vào những ngày mùa đông, cái rét về khuya kéo người ta ngồi sát lại với nhau hơn trong những quán ăn đêm, tận hưởng cái ấm áp của nhau và của không gian quán đêm. Đến mức ăn đêm ở Hà Nội đã được nâng lên thành một cái thú - thú ăn đêm. Ở Sài Gòn, ăn đêm có thể chưa phải là một cái thú, nhưng nó lại là một phần không thể thiếu, làm nên bộ mặt đời sống của Sài Gòn khi màn đêm buông xuống.
     Không biết phố đêm chuyên về ăn uống có tự bao giờ thì chẳng có ai mà biết được. Người thì nói có từ lúc Sài Gòn có người. Có người thì nói lúc sở thích ăn đêm của con người ra đời... Chỉ có điều nếu ai đó đã từng đi xa lâu ngày thì khi trở lại Sài Gòn thì cũng nên thử lang thang một lần cho biết nền văn hóa ẩm thực về đêm của Sài Gòn phong phú và thú vị biết chừng nào. Hoặc ai đó lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn thì không ăn đêm ở Sài Gòn thì coi như cũng chưa cảm nhận hết sắc màu rất khác của thành phố này. Một thành phố được mệnh danh là "Hòn Ngọc của Viễn Đông" cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
     Từ con đường Lê Văn Sỹ rẽ vào chạy dọc theo bờ kè của kênh Nhiêu Lộc, kéo dài qua các quận 1, Bình Thạnh và Phú Nhuận còn một chút của quận Tân Bình đoạn gần chợ ông Tạ, thì vốn là những điểm hẹn quen thuộc của các Thiên Thần có tâm hồn ăn uống mà nhất là những đệ tử Lưu Linh thường thì uống nhiều hơn ăn. Từ các nhà hàng cao cấp giá cả có thể so sánh ngang bằng Las Vegas hay NewYork hoặc là Paris cho đến mấy quán cóc dọc vỉa hè, ở khu vực này có bán đủ thứ, từ cái lẩu cá mú mấy trăm ngàn đồng cho đến dĩa nghêu, sò chỉ 10 -15 ngàn. Dễ chịu hơn nữa là tuy cũng đóng cửa vào khoảng 11 - 12 giờ đêm, nhưng một số quán ở bờ kênh Nhiêu Lộc đoạn từ cầu tàu lửa đi lên quận 1 chừng 50m, khu này còn gọi là phố Lẩu Sinh Viên luôn sẵn sàng đón nhận những nhóm khách lạc loài đến gõ cửa quán lúc 2 - 3 giờ sáng thì chủ quán vẫn mở miệng chào khách bằng những nụ cười tươi hơn hoa. Dù đang buồn ngủ đến giật cả mình nhưng vì đồng tiền chén cơm manh áo hay khách hàng là thượng đế cũng không biết. Sự cởi mở chân tình của chủ quán vô tình đã làm ấm lòng vui vẻ bao lữ khách trong đêm lạnh của Sài Gòn về đêm.
     Phía Trần Não quận 2, hay ngược ra Thủ Đức lúc nào cũng nhộn nhịp thực khách và sẵn sàng chìu lòng thực khách với những món ăn thơm lừng quyến rũ như xua tan cái lành lạnh trong đêm Sài Gòn. Nào là cháo gà, cháo Vịt hay bún bò Huế, phở Hà Nội rồi cả hột vịt lộn, trứng cút lộn, bánh ướt, gỏi cuốn chấm mắm me... cao cấp bình dân đều có đủ cả.
     Nếu chịu khó đi về hướng chợ Lớn ngang qua những khu phố người Hoa nơi đây bày bán những món ăn Tàu... Ngầu Pín, vịt quay Bắc Kinh, Hủ tíu nam vang, Gà tần rút xương,hột Vịt ăn cháo trắng, hủ tíu bò viên... trên rừng dưới biển nơi đây đều luôn có sẵn để mời gọi những tâm hồn ăn uống.
     Phía xa cảng miền Tây đầy gió thì luôn nhẹ nhàng ngòn ngọt những món ăn mang hương vị mênh mông của đất trời Nam Bộ. Kêu dĩa gỏi Vịt thì chao ôi... một sự ngút ngàn cao ngang trời của một dĩa gỏi vịt đầy rau muống cao hơn núi. Thịt vịt luộc nước dừa chấm mắm gừng cay cay thơm lừng nức cả mũi, tê tái của lưỡi. Cũng làm cho bạn nao lòng vì ngon, vì hương thơm như phủ cái ấm áp lên bóng đêm sắc se lạnh của Sài Gòn.Ăn đêm hay còn gọi là ẩm thực của bóng tối. Đôi lúc cũng góp thêm chút gì đó làm thay đổi, làm phong phú thêm sắc màu ẩm thực của Sài Gòn.
     Ăn đêm đã trở thành thói quen của những người ngủ muộn. Khi ẩm thực đã mang mọi sắc màu phủ lên bóng đêm của Sài Gòn, thì ăn đêm đã lan tỏa khắp mọi ngõ ngách của Sài Gòn từ Nội ô ra tới ngoại thành, chạm vào những vùng miền của các tỉnh lân cận Sài Gòn. Từ đó đã tạo nên nét văn hóa rất riêng biệt của phố thị Sài Gòn về đêm.
    Sài Gòn về đêm không chỉ lung linh huyền ảo của những ánh đèn hay những khu ăn uống thâu đêm, đêm Sài Gòn còn cuốn hút bởi sự rực rỡ của chợ đêm Sài Gòn.
   Chợ đêm đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân thành phố vào những tối cuối tuần. Từ lâu người dân thành phố đã coi chợ đêm như một nét văn hóa đặc sắc, với sự phong phú đa dạng của nhiều loại mặt hàng, giá cả phải chăng. Người dân đi chợ đêm không chỉ để mua sắm mà còn để thưởng thức các món ăn dân dã, được chế biến công phu, đều mà bạn khó tìm thấy trong các nhà hàng. Đến với chợ đêm chúng ta mới thấy hết sự đa dạng của những mặt hàng được bày bán. Những gian hàng được bày trí khá bắt mắt với đủ chủng loại từ quần áo, dày dép, nón mũ, cho đến những chiếc cột tóc, lắc tay, đồ trang sức. Chính sự đa dạng phong phú đó, chợ đêm đã trở nên quen thuộc với nhiều nhười dân thành phố và cả du khách nước ngoài. Chợ đêm Sài Gòn không chỉ dành cho những cặp tình nhân, cho những người thích đưa cả gia đình đến đây để ăn uống, mua sắm và dạo phố ban đêm…nơi đây còn là chỗ gặp gỡ bạn bè lâu ngày gặp lại, vừa ăn uống, vừa hàn huyên tâm sự. Chợ đêm Sài Gòn không chỉ thu hút thực khách là người Việt Nam, mà du khách nước ngoài cũng rất thích thưởng thức những món ăn truyền thống mang hương vị rất Việt Nam.
  Trong nhịp điệu hối hả của đời sống công nghiệp, sự xuất hiện của hệ thống siêu thị và các cửa hàng bán lẻ như Coop- Mart,Maximark, Shop& Go… là một hệ quả tất yếu phục vụ cho nhu cầu mua sắm ngày càng tăng cao của người dân. Thế nhưng trong thời gian gần đây thị hiếu của người tiêu dùng lại hướng về các không gian shopping mở như hội chợ, triển lãm… Trong đó, chợ đêm là một nét văn hóa “hồi sinh” sau thời gian im hơi lặng tiếng, hòa vào dòng chảy trên tạo thêm cho người Sài Gòn một nét rất riêng trong gu giải trí của mình.
     Nói đến chợ đêm Sài Gòn có thể liệt kê ra một danh sách các chợ như chợ đêm Bến Thành (Q.1), chợ đêm Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Bình Tây (Q.6), Hạnh Thông Tây (Q. Gò Vấp)… Chợ đêm là một hình thức chợ nhen lên như hình thức chợ phiên ở các cùng cao, trong một khoảng thời gian nhất định và chuyên bán những mặt hàng đặc trưng nhất định. Có thể kể tới những mặt hàng chủ đạo trong các “phiên chợ thành thị” này như quần áo, dệt may, tiêu dùng và ẩm thực. 
Những chợ đêm có nổi tiếng ở Sài Gòn :
     Chợ Bến Thành nổi tiếng với gian hàng ẩm thực tươm tất đặt dọc theo hành lang nhà lồng chợ với các món ăn giá cả giành cho giới trung lưu và người nuớc ngoài nhưng vẫn được sự ủng hộ nồng nhiệt của thực khách yêu ăn khuya mỗi đêm.
     Chợ đêm Kỳ Hòa thì lấp la lấp lánh với những món hàng được giới trẻ ưa chuộng như trang sức model, kẹp tóc, móc khóa điện thoại và hằng hà sa số những món hàng làm điệu linh tinh với giá cả rất phải chăng và mặt hàng đa dạng, phong phú.
     Chợ Bà Chiểu lại nổi bật như một chợ quần áo thời trang giá rẻ nhưng không thua kém hàng shop chút nào, lượng quần áo tiêu thụ trong những dịp lễ Tết là khổng lồ… Cách mà những chợ đêm này tồn tại là đánh vào tâm lý ưa hàng giá rẻ mà chất lượng của người tiêu dùng Việt Nam, nhất là trong cơn bão giá điều đứng hiện nay thì sự tồn tại của chợ đêm đã tạo nên một nét văn hóa chứ không chỉ đơn thuần là một thú giải trí riêng lẻ của nhóm người nào.
     Hầu hết các chợ đêm bắt đầu từ khá sớm, khoảng 6-7 giờ chiều đã lục đục trưng bày hàng và kết thúc khoảng 12 giờ khuya. Đối tượng tập trung mua bán ở các khu chợ này chủ yếu là người buôn bán từ các miệt tỉnh đổ về và một nhóm các tiểu thương lân cận khu vực xung quanh. Sự hình thành của chợ đêm mang về một cơ hội thu nhập hấp dẫn để có thể trang trải thêm cho cuộc sống mưu sinh vốn vất vả.
   Người đi chợ cũng đa dạng nhiều thành phần, từ HSSV đến giới trung lưu, tìm mua đủ loại hàng hóa trên đời này như quần áo, giày dép, dây nịt, đồng hồ, túi xách… với cơ man nữa là thức ăn khuya mà nhìn thấy thì chỉ có phát thèm lên đi được : từ các món ăn vặt như bánh plan, chè, chuối nướng… đến những món ăn đặc sản ba miền như bún nước lèo, bún mắm, bánh canh Trảng Bàng, cháo lòng… và thậm chí cả những lọai lẩu tươi, nghêu sò ốc dành riêng cho bàn nhậu cũng được góp mặt vào cuộc vui đêm nhộn nhịp của người Sài Gòn. Giá cả ở chợ đêm hầu hết không quá mắc, chỉ trung trung ở mức của dân lao động, như quần áo dao động ở mức 25.000Đ- 40.000Đ/ áo nữ, 35.000Đ-45.000/ áo nam, 60.000- 100.000Đ quần Jeans; trang sức handmade thì vào khoảng 30.000- 80.000Đ/ món, giày dép từ 35.000Đ – 250.000Đ/ đôi… Cái thú nhất của kẻ chen chân vào chợ đêm là tìm quên khỏi cái không khí lạnh tanh, cái máy đếm tiền ròen rọet, các cô nhân viên cười những nụ cười công nghiệp của Siêu thị hiện đại. Cũng từ những ngôi chợ này mà mode ăn đêm được “lăng-xê” thành một đặc trưng rất ư Sài Gòn, vẫn có thể bắt gặp một anh chàng đi SH ngồi xổm trên cái ghế nhựa nhỏ cùng người yêu húp xì xụp một tô hủ tiếu, mới thấy sức sống của chợ đêm như một hơi thở mạnh mẽ ngày càng dập dồn trong lồng ngực rộng lớn của “văn hóa người Sài Gòn”.
Kết luận.
     Khi nhắc đến đất nước Việt Nam thì mọi người không thể quên được Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hai hạt giống quan trọng góp phần làm nên một Việt Nam anh hùng qua bao thế hệ. Nếu Hà Nội là một thủ đô với tháp rùa rêu phong cổ kính, với cầu thê húc cong cong dẫn vào đền Ngọc Sơn và những khu phố cổ vẫn còn nguyên cái dáng vẻ của một thời hoàng kim ngày ấy. Thì giờ đây khi lạc bước vào thành phố xa hoa và tráng lệ này, chúng ta sẽ thật ngỡ ngàng với cái đẹp tìm ẩn của Sài Gòn về đêm. Nếu thử một đêm sống cùng thành phố không bao giờ ngủ này, bạn mới cảm nhận được những điều mà bấy lâu nay mình chưa bao giờ nghĩ đến. Hai mặt của cuộc sống về đêm cũng là hai dòng cảm xúc của du khách khi đến đây. Một bên là sự thú vị trước cuộc sống nhộn nhịp tấp nập và vẻ đẹp mặn mà của phố Sài Gòn lúc đêm về, bên kia là sự đồng cảm xót thương cho những mảnh đời cơ cực, lo từng đồng bạc để mưu sinh. Nhưng tất cả họ là một phần không thể thiếu của thành phố này.
     Bài viết này em chỉ đề cập đến một vài khía cạnh về sự thú vị trước cuộc sống nhộn nhịp tấp nập và vẽ đẹp mặn mà của phố Sài Gòn lúc đêm về. Qua đó, nhằm khái quát lên nét văn hóa của người Sài thành về đêm. Bài viết dựa trên cảm nhận của bản thân và những lần đi khảo sát thực tế, vì vậy còn nhiều thiếu sót, mong rằng sẽ có nhiều bài viết thật hay và mang tính khoa học hơn nhằm góp phần phát huy những giá trị vật chất và tinh thần của đêm Sài Gòn.
                                                                                     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét