Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

GHE XUỒNG Ở NAM BỘ

Tác giả: Nguyễn Hồng Nhựt (sưu tầm)

GHE XUỒNG Ở NAM BỘ
Nguyễn Thanh Lợi
(Bài đã đăng trên Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, 2005)
Ghe xuồng ở Nam Bộ có vị trí rất quan trọng trong việc giao thông đường thuỷ, ở một địa bàn mà mạng lưới sông ngòi, kênh rach chằng chịt. Việc sử dụng ghe xuồng làm phương tiện đi lại, vận chuyển đã trở thành nét độc đáo trong đời sống của cư dân vùng này. Có thể nói, cư dân miệt sông nước ra đến ngõ là gần như phải đi xuồng. Ngay từ thưở đi khai hoang của cha ông ta, việc đi lại bằng đường thuỷ vẫn tiện lợi và an toàn nhất.
Sách Gia Định thành thông chí mô tả:”Ở Gia Định chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở hoặc đi chợ, hay để đi thăm người thân thích, hoặc chở gạo củi đi buôn bán, rất tiện lợi, mà ghe thuyền chật sông ngày đêm qua lại, sỏng xuồng liên tiếp”[1]
1.Đặc điểm phân loại
Ghe xuồng ở Nam Bộ rất đa dạng, phong phú với nhiều kiểu loại, tên gọi khác nhau. Căn cứ vào đặc điểm sản xuất, chức năng sử dụng và phương thức hoạt động ta có thể tạm phân chia thành những loại khác nhau.
Huỳnh Tịnh Của định nghĩa về xuồng như sau:”Ghe nhỏ, ghe làm chơn, thường dòng theo ghe lớn”[2] . Về xuồng, ta thấy có các loại phổ biến như xuồng ba lá, xuồng năm lá, tam bản, xuồng vỏ gòn, xuồng độc mộc, xuồng chèo, xuồng  máy…
Xuồng ba lá có chiều dài trung bình 4m, rộng 1m, sức chở từ 4-6 người. Xuồng làm bằng ba tấm ván gỗ dài ghép lại, các đường nối được trét bằng nhựa chai, mũi và lái đều nhọn. Dùng sào nạng và bơi chèo để đi lại. Riêng Cần Thơ có xuồng 5 lá.
Xuồng tam bản giống như ghe câu, nhưng lớn hơn, có 4 bơi chèo, dùng để chuyên chở nhẹ. Có loại thon dài, lại thêm mui ống, dáng đẹp. Số lượng tấm ván be không chỉ có 3 mà có thể là 5, 7, hoặc 9 tấm. Các điền chủ hạng nhỏ và vừa thường sử dụng để đi lại trên sông rạch. Ở Vĩnh Long, xuồng tam bản còn dùng để đi câu tôm, câu rổi hoặc dùng làm xuồng cào tôm cá. Tam bản xuất xứ từ tiếng Hoa “xam pản”, người Pháp phiên âm thành “sampan”.
Ghe tam bản, xuồng bơi, xuồng chèo ở Cần Thơ đều là hai chèo, ba chèo, bốn chèo. Không phải một một chèo lái, một chèo mũi như ở các vùng khác.
Xuồng vở gòn (giống vỏ trái gòn) kích thước nhỏ, kết cấu đơn giản (giàn đà, cong và ván be), kiểu dáng gọn nhẹ, chủ yếu để đi lại, chuyên chở, trao đổi, buôn bán.
Xuồng độc mộc (ghe lườn) do người Khơme làm bằng cách chẻ dọc thân cây thốt nốt, khoét rỗng ruột hoặc mua xuồng độc mộc thân gỗ sao, sến ở Campu chia và Lào.
Xuồng câu tôm: giống kiểu kiểu ghe độc mộc của người Khơme dùng giăng câu thả lưới ở ven sông cạn rạch nhỏ.
Xuồng bơi (2 mái chèo) lớn hơn xuồng tam bản.
Xuồng máy gắn máy nổ và chân vịt như xuồng máy đuôi tôm là loại phương tiện rất “cơ động”, phổ biến ở vùng sông nước này, nhất là trong giới thương hồ.
Về ghe dùng để vận chuyển hàng hóa thường là những chiếc ghe có kích thước lớn, sức chở nặng, đi được đường dài.
Ghe bầu là loại ghe lớn nhất, mũi và lái nhọn, bụng phình to, có tải trọng tương đối lớn, chạy buồm (từ 1 đến 3 buồm), lướt sóng tốt và đi nhanh, có nhiều chèo để đi sông và đi biển dài ngày.thường dùng đi đường biển. Loại  ghe bầu lớn thường gọi là ghe trường đà.Ghe bầu (Prau) bắt nguồn từ tiếng Mã Lai, do người Việt trong quá trình Nam tiến tiếp thu được của người Chăm.Trước năm 1945, hàng năm các lái buôn lớn từ miền Trung chở cá, mắm cá mòi, chủ yếu là nước mắm cá cơm của vùng Phan Thiết vào bán trong Nam, rồi mua gạo thóc chở ra bằng loại ghe này.
Ghe cửa: nhỏ, mũi nhọn, nhảy sóng tốt, chạy buồm vững vàng; có thể ra vào các cửa sông dễ dàng, hay chở hàng đi men theo bờ biển.
Ghe lồng (hay ghe bản lồng): loại ghe lớn, đầu mũi dài, có mui che mưa nắng, lòng ghe được ngăn thành từng khoang nhỏ để chứa các loại hàng hóa khác nhau. Loại ghe này dùng vận chuyển hàng hóa đi dọc bờ biển.
Ghe hàng bo là loại ghe lồng nhỏ, đi đường ngắn trong nội địa
Ghe giàn : có kích thước khá lớn, hai bên hông trổ cánh cao để chở được nhiều hàng hóa
Ghe be không mui hoặc có mui nhỏ chệch về phần lái khoảng 1/4  chiều dài của ghe, có thêm hai ghe bên sườn để tăng thêm sức chở.
Ghe chài: to và chở được nhiều nhất, có mui rất kiên cố, gồm nhiều mảnh gỗ ghép lại, có hai tầng. Ghe được chia làm hai phần, phần đầu chứa hàng hóa, phần sau là chỗ nghỉ cho người đi ghe. Một mui rời phía sau phòng lái dùng làm nơi tắm rửa, nấu cơm. Ghe có sức chở từ 150-200 tấn, loại ghe chài Nam Vang chở được đến 300 tấn. Ghe chài thường có cả chục người chèo với kiểu chèo “neo” ngược chứ không như kiểu chèo ghe bình thường. Về sau, người ta dùng tàu kéo ghe chài. Ghe dùng cho người đi buôn bán xa, dài ngày và sống trên sông nước. Thường dùng chở lúa gạo, than củi.
“Chài” xuất xứ từ tiếng “Pok chài” của người Triều Châu, Pok: nhiều, chài: tải, ghe chài là loại ghe có sức tải lớn.
Theo Vương Hồng Sển, ghe chài gọi đầy đủ là ghe bốc chài, gốc từ tiếng Khơme “tuk pokchay”, tuk: ghe, thuyền (Khơme); pokchay: chở nhiều (Triều Châu)[3]
Ghe cà vom: nhỏ, dài, có mui nhỏ nhưng khác ghe lườn và ghe ngo.
Ghe cá,  hay còn gọi là ghe rỗi ,chuyên chở sá đồng từ miền Tây về Sài Gòn. Đặc biệt mực nước trong ghe luôn cân bằng với mực nước sông bên ngoài để giữ cá luôn sống và ghe cũng luôn vững. “Anh đi ghe cá mũi son, để em đan đệm cho mòn mười ngón tay
Ghe bè to và sâu, giống như chiếc xà lan, có mái che, tải trọng lớn, người chèo có thể đi lại trên mui, dùng chuyên chở hàng hóa trên sông. Loại ghe to, mau bán tận Campuchia.
Ghe lưới :giống như chiếc thuyền độc mộc, thân dài, thon, mũi nhọn. Đây là loại ghe của người Khơme.
Ghe cào tôm: đầu mũi lài và khá phẳng, có bánh lái gặp bên hông, dáng nhỏ. Loại ghe này thường dùng cào tôm vào ban đêm.
Ghe mỏ vạch: mũi vớt cao lên như cái vạch của thợ may.
Ghe cui: ngắn, mũi và lái tương đối bằng, không nhọn như các ghe khác. Dùng chở củi, lá lợp nhà.
Ghe ngo (tuk ngua): loại ghe nhiều màu sắc của dân tộc Khơme, thường dùng trong bơi đua trong các lễ hội. Ghe làm bằng cây sao, dài 10m trở lên. Ghe không mui, ở đầu mũi chạm hình rồng, rắn, phụng, lân hoặc voi, sư tử, ó biển. Mỗi chiếc có thể chở từ 20 đến 40 tay chèo, xếp thành hàng đôi, một người cầm lái và một người cầm mũi.
Ghe điệu: mũi lái chạm trổ, kèo mui thường sơn son thếp vàng, bên trong lót ván trơn bóng, có chỗ nấu nướng, đủ tiện nghi để hút á phiện cho giới nhà giàu.
Ghe hầu: sang hơn ghe điệu, dành cho cai tổng, tri phủ, tri huyện. Ban đêm ghe thắp sáng không phải vì mục đích soi đường, mà để báo hiệu cho biết là ghe của quan. Một đoạn trích của Huỳnh Minh cho ta thấy hình ảnh của chiếc ghe hầu ngày xưa: “Khác với những ghe thường, ghe hầu được đóng vẻ đẹp đẽ, sang trọng hơn: sơn son thếp vàng, đầu rồng đuôi phụng, trước mũi hai chèo, mui ghe lộng lẫy, bên trong trang trí rất đẹp như một phòng khách trên nhà, nào chiếu bông nẹp điều, gối dựa vải màu sặc sỡ, đồ lệ bộ, ống điếu bình, văn án thấpv.v…Ban đầu chỉ có loại quan chức mới đi loại ghe này, về sau các nhà giàu có, dư dả cũng đua nhau sắm ghe hầu, như kiểu đổi Citroen con cóc để sắm Dodge hay Mercédes đi cho oai”[4]
Ghe sai: còn gọi là ghe khoái, nhỏ, chèo nhẹ, dùng vào việc quan.
Ghe quyển: có mui che từ đầu đến cuối ghe, dùng để chở quân lính.
Ghe lệ hoặc ghe ô: dùng vận chuyển lính hay quân cụ. Những chiếc dành cho chỉ huy thường được chạm trổ toàn thân rất tinh xảo. Loại này thường được sơn đỏ nên cũng gọi là ghe son hay ghe vẹm.
Ghe trẹt (trẹt): không mui, đáy bằng, hai đầu ghe đều bằng để chở trâu bò.
Ghe vợi: ghe nhỏ, cột theo sau những chiếc ghe lớn để chuyển hàng hóa vào bờ.
Vỏ lãi: mũi ghe bằng, dài khoảng 9m, thành ghe thấp, bề ngang hẹp.
Tắc ráng: thường dài hơn vỏ lãi, mũi nhọn, chạy rất nhanh (chiếc Speedo do Kiên Giang Composite chế tạo có thể chạy đến 60km/giờ). Chiếc ghe đặc biệt xuất hiện từ năm cuối 1959 ở địa danh mà cả xóm, ấp, chợ và con rạch đều mang tên Tắc Ráng (nay là khóm Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).
Ngoài ra, ở mỗi địa phương cũng có những loại ghe phù hợp với điều kiện sông nước và nhu cầu sản xuất, đi lại trong vùng. Một số loại ghe có tiếng như:
Ghe câu Phú Quốc (Kiên Giang) có buồm, có 5 cặp chèo, dùng để đánh bắt thuỷ sản.
Ghe cửa Phú Quốc để chở thuỷ sản và mắm.
Ghe Cần Thơ: lớn, dài, tiện cho việc đi sông.
Ghe cửa Bà Rịa để chuyên chở thuỷ sản
Ghe lưới rùng Phước Hải (Long Đất, Bà Rịa- Vũng Tàu) dùng đánh bắt thuỷ sản.
Ghe Cửa Đại: dùng đánh bắt trên biển, chuyên chở hàng hóa đi biển hoặc trên các con sông lớn. Loại ghe có đặc trưng riêng, khá nổi tiếng, do những thợ thủ công Bình Đại (Bến Tre) đóng. Ngày xưa, vùng này có mối giao lưu mua bán với Mỹ Tho, Sài Gòn, Gò Công, Vũng Tàu, Bà Rịa, Phan Thiết. “Khác với ghe Cần Đước mũi ngắn, lườn rộng, ghe Vàm Láng (Gò Công) mũi nhọn mà cao, lườn dẹt, ghe Hòn (Phú Quốc) của miền tây mũi đứng, lườn rộng, thân dài, ghe của Bình Đại- thường được giới sông nước gọi là ghe số 14 mũi đen- cao vừa phải, lườn rộng, thân vững, đi biển hoặc chuyên chở trên sông đều tốt, chịu nhảy sóng, mạnh sức chở. Ghe cửa Bình Đại bánh lái đẹp và dài, có hai buồm, có trục cuốn, buồm đánh bằng lá buôn đan( tức một loại lá cọ, người ta quen gọi là đệm buồm) “[5] 
        Ghe Cần Đước (Long An) dùng đánh bắt cá(đóng đáy, chài cá), chuyên chở hàng hóa trên các tuyến sông. Loại ghe lớn, chạy nhanh, chở khoẻ, có dáng đẹp, nhưng chỉ sử dụng tiện lợ tròn sông rạch vì lườn tròn, nhảy sóng kém. Mũi và lái đều nhọn và nhô cao, chậu mũi vàchậu lái cong tròn, bánh lái to và cao, cần lái nằm ngang quá mũi ghe. Ghe Cần Đước mũi sơn màu đỏ tươi, lườn màu xanh, hai mắt tròn xoe, tròn đen và to, thường gọi là “đôi mắt đảo mèo”[6]           
                                             Ghe ai đỏ mũi trảng lườn
                                 Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em?      
Ngoài ra, tuỳ vào mục đích sử dụng mà ghe xuồng ở Nam Bộ có những tên gọi khác nhau, như dùng để giăng câu thì gọi là xuồng câu ; đánh bắt thì có ghe lưới, ghe đáy; đưa khách trên sông thì gọi ghe đò (đò ngang, đò dọc; đò chèo, đò đạp, đò máy) ; dùng buôn bán hàng hóa thì có ghe hàng… 
2. Nghề đóng ghe
Từ cuối thế kỷ XVIII, ở đất Gia Định- Đồng Nai, ngành đóng và sửa chữa tàu thuyền đã ra đời, phục vụ cho nhu cầu vận chuyển đường thuỷ ngày càng lớn của vùng đất này.”Ở ngã
ba sông Nhà Bè thuộc huyện Phước Long, tục gọi phường Thương Đà, trước kia tàu thuyền của phương Bắc đến buôn bán, phàm thuyền bị nát, bị rò phải sửa chữa hoặc đóng thuyền mới, tất do chỗ này”[7]. “Luỹ cũ Trao Trảo ở huyện Long Thành năm Canh Tuất (1790) đầu đời trung hưng, đắp thành luỹ, đóng tàu thuyền”[8]
Ở Nam Bộ có nhiều “lò” đóng ghe nổi tiếng, thành ra những trường phái riêng, có thể kể như: ghe Bình Đại, ghe Cần Đước, ghe Bà Rịa, ghe Phú Quốc…
Trước Cách mạng tháng Tám- 1945, tại Bình Đại có các trại ghe Bắc Hải ở Thọ Phú và ghe Đông Hải ở Phước Thuận chuyên đóng những ghe cửa lớn vận chuyển hàng hóa đi buôn với các tỉnh cực Nam Trung Bộ, nổi tiếng một thời. Thợ thủ công ở Vũng Luông (Thọ Phú- Thới Thuận) và vàm Bà Khoai là những nơi có tay nghề cao.[9]
Tại Cần Đước đã hình thành nên hai trung tâm đóng ghe, một ở chợ Kinh và một ở vàm Cầu Nổi với những trại ghe tiếng tăm như Hiệp Phát, Hiệp Lợi, Trần Văn Chà (sau đổi là Tân Hưng) ở chợ Kinh; Năm Châu, Bảy Thạch…ở Phước Đông hay có thể kể thêm Hiệp Đồng, Hiệp Hoà ở Tân Tập (Cần Giuộc)[10]
Từ đầu thế kỷ XX, nghề đóng ghe xuồng ở Cần Thơ đã phát triển. Lúc đầu chỉ vài hộ, rồi dần dần trở thành làng nghề, mang tính chuyên nghiệp, cha truyền con nối. Nổi tiếng nhất là ở Ngã Bảy (Phụng Hiệp). Ở Vàm Xáng, Phong Điền, thị trấn Cái Răng (Châu Thành) cũng là những làng nghề đóng ghe xuồng danh tiếng.
Ghe đóng ở Cần Thơ nổi tiếng kiểu dáng thanh mảnh, mũi nhọn, nhảy sóng tốt. Phong Điền là nơi chuyên đóng ghe hầu với kỹ thuật chạm trổ rất khéo.
Ở thành phố Hồ Chí Minh có làng đóng ghe cầu Rạch Ong nằm hai bên bờ rạch Ong, gần ngã ba của con rạch này và kinh Tẻ, thuộc địa bàn phường Tân Hưng (quận 7) và phường 1 (quận 8). Làng nghề này hình thành khoảng năm 1962, do những người thợ từ Cần Đước, Cần Giuộc (Long An) mang đến. Trọng tải của loại ghe Cần Đước đóng tại đây có nhiều cỡ, khoảng từ 30-200 tấn. Gần đây, làng nghề chủ yếu đóng các loại tàu kéo, tàu ủi và xuồng thông với sức chở từ 500kg đến 3 tấn, và sửa chữa các loại ghe thuyền khác nhau.[11]
Ở An Giang, nghề đóng ghe xuồng ngày càng phát triển ở một số làng xã như: Mỹ Hiệp, Mỹ Luông, Chợ Thủ (Chợ Mới), Bình Mỹ, Bình Long (Châu Phú). Ghe xuồng có giá rẻ, dễ mua sắm, kiểu dáng luôn được cải tiến.
Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, các trại ghe tập trung chủ yếu ở Bình Châu, Phước Bửu, Long Hải, Phước Lễ, Phước Tỉnh, Phước Hải, Vũng Tàu…
Ở Vĩnh Long hiện còn vài trại ghe nổi tiếng, do cha truyền con nối nhiều đời, như trại ghe Năm Danh, Phước Thành, Năm Sên, Thanh Hải ở Trà Ôn; trại ghe Hòa Hiệp tại Cầu Mới; trại ghe ở ấp Thanh Tân và Thanh Khê xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm…[12]
3.Phương thức hoạt động
Ngày xưa, việc lưu thông của ghe xuồng trên sông đã được nhà nước đặt thành những luật lệ với những quy định cụ thể:”phàm ghe thuyền đi bất luận gặp gió nước thuận hay nghịch, khi đi gần gặp nhau thì phải hô là “bát” (tục thường ghe đi phía tả gọi là “cạy”, đi phía hữu gọi là “bát”) thì ghe mình đi qua phía hữu, để cho thuận lái thuận sào dễ điều khiển mà tránh nhau. Nếu ghe nay đã hô “bát” mà ghe kia còn đi tới phía tả không tránh để cho đụng nhau hư hỏng, thì lỗi ấy về ghe không tránh kia. Lại trong trường hợp ấy có kẻ biện chiết chưa chịu khuất phục, thì phải xét ghe nào chở nhẹ hơn và đi thuận dòng nước, thừa thế ấy chạy mau phải đụng ghe kia, thì ghe ấy bị lỗi”[13]
Khoảng từ 1920, chính quyền thuộc địa đã ra một “bài chỉ” ghe ở các tỉnh Nam Bộ, quy định ghe mỗi tỉnh có một con số riêng. Bài chỉ ấy lấy chữ đầu của 20 tỉnh ở Nam Kỳ ghép thành vần, rồi đặt số:
           “Gia, Châu, Hà,
             Rạch, Trà, Sa, Bến,
             Long, Tân, Sóc, Thủ, Tây, Biên,
             Mỹ, Bà, Chợ, Vĩnh, Gò, Cần, Bạc “[14]
Như vậy ghe Gia Định mang số 1, ghe Bến Tre có số 7, ghe Bà Rịa thì số 15…
Hoặc như ghe của các vùng cũng sơn màu nơi mũi ghe để phân biệt nhau
                               Thuyền Bắc Nam lui tới
               Ghe đen mũi, ghe vàng mũi ra vào coi loà nước
                              Người Đông Tây qua lại
               Tàu xanh mang, tàu đỏ mang, hàng hóa chất ngất
                                                            (Ngô Nhân Tịnh)
Để đề phòng nạn cướp bóc diễn ra trên sông nước, chính quyền phong kiến đã có quy định rõ ghe thuyền phải có “đăng kiểm” để dễ bề kiểm soát:”ghe thuyền lớn nhỏ trong hạt, quan nha sở tại phải buộc khai báo tên họ làm số sách tra cứu rõ ràng, rồi khắc chữ đóng nơi đầu thuyền, người nào trái lệnh bị tội, và làm bộ tịch ghe thuyền để lưu chiếu. Từ đó người chủ bị cướp nhận thấy được kẻ cướp, chỉ tên ra tố cáo, truy nã, mà bọn ác ôn khiếp phục yên lặng cả”[15]
Trước năm 1954, ở Nam Bộ các phương tiện máy móc còn ít, ghe xuồng đi lại chủ yếu là bơi, chèo. Ở các thị trấn, thị tứ đông dân cư thì có đò đạp, đò dọc đưa rước khách đi lại. Đò đạp, đò dọc thì đi theo chiều dài, khách có thể thuê bao trọn chuyến.
Gọi là “đò đạp” vì chiếc ghe thông thường di động trêm mặt nước do bơi, hoặc chèo bằng tay, nay được thay bằng động tác chân Những người phu đạp trên những tấm ván ghép trên một cái vòng tròn như chiếc guồng quay nước. Một chiếc đò có 4 người đạp. Đò đạp có tốc độ tương đương với đò chèo bằng tay, nhưng hành khách thích đi  loại đò này hơn vì nó ít chòng chành. Chiếc đò thường được thiết kế thành 2 tầng. Tầng dưới được che kín, chủ yếu để chở hàng hóa. Tầng trên thông thoáng, dùng để thường ngoạn cảnh sông nước. Đò đạp thường chở khách ở cự ly gần, khoảng 10-20km, nước ít chảy, không có sóng to. Nghệ sĩ  cải lương Tư Trang (tức Trần Hữu Trang) từng có thời gian làm phu đò chở khách từ Hương Điểm đi tỉnh lỵ Bến Tre.[16]
Người miệt quê cấy hái xong, mùa màng nhàn rỗi hay có chuyện cần sắm sửa mua bán là đi đò dọc về thị xã. Con đò dài hơn mười lăm thước, chở được bốn năm chục người. Đi đò dọc là ta có thể hình dung được phần nào cuộc sống nơi miền sông nước. Đò dọc chạy rất đúng giờ, nhiều nhà xem đò chạy qua là có thể đoán được giờ giấc một cách chính xác. Khách đi đò cũng dễ thân quen nhau, cứ chuyện trò rôm rả suốt cả hành trình.Ven sông, mỗi nhà đều làm cho mình một bến nước nho nhỏ. Đó là nơi đón đò, nơi tắm rửa, giặt giũ, nơi hẹn hò của đôi lứa.
Có thể nói, ghe xuồng có mặt khắp mọi nơi, theo từng bước chân của người dân Nam Bộ, trên mọi “địa hình” của miền sông nước: từ nơi thị tứ đô hội cho đến chốn kinh cùng, từ đầu nguồn đến cuối bãi, nơi giáp nước, ngã ba sông, dọc ven biển…Người ta dùng ghe xuồng đi mua bán, thu hoạch nông sản, đánh bắt tôm cá trên sông cho đến đi thăm người quen, giỗ chạp, ma chay, cưới xin…Ngày nay tận dụng ưu thế đó, những con “thuyền văn hóa”, “thuyền bệnh viện” đã hoạt động khá hiệu quả nơi miền sông rạch này.
Một phương thức sinh hoạt kinh tế nhưng lại mang đậm dấu ấn của văn minh sông nước, đó là chợ nổi của miền Tây Nam Bộ. Người dân miền Tây đã tạo cho mình một phong cách sinh hoạt riêng, phù hợp với điều kiện đặc thù của tự nhiên nơi đây. Gần như ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều có chợ nổi: Ngã Bảy, Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), An Hữu (Tiền Giang), Ngã Năm, Trà Men (Sóc Trăng), Năm Căn, phường 8, Thới Bình (Cà Mau), Long Xuyên (An Giang), Sa Đéc (Đồng Tháp)…Trong đó vang tiếng cả nước là chợ nổi Ngã Bảy (Phụng Hiệp, Cần Thơ) và chợ nổi Ngã Năm (Thạnh Trị, Sóc Trăng) trên kênh Quản Lộ. Ở chợ nổi bán người ta mua bán đủ thứ, từ trái cây, rau thịt, cá…cho đến hàng tiêu dùng, bán cả đồ ăn thức uống, gần như không thiếu thứ gì. Chợ nổi có lối tiếp thị trên trời, theo kiểu “treo gì bán nấy”. Trước mỗi ghe có một cây sào cao, trên đó treo những hàng hóa cần bán (dân địa phương gọi là bẹo). Chợ nổi cũng có những chợ dạng “chuyên doanh”. Chợ nổi An Hữu (Cái Bè, Tiền Giang) là chợ trái cây đầu mối lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Chợ Trà Men (Sóc Trăng) nổi tiếng với các mặt hàng lọp, lờ, lu, khạp…Chợ nổi thực sự là bức tranh đầy màu sắc của châu thổ sông Cửu Long.
4.Trong đời sống văn hóa
Ghe xuồng ở Nam Bộ cũng được phản ánh khá đậm nét trong nhiều từ điển. Chúng tôi thử làm một thống kê (chưa đầy đủ) để thấy được sự đa dạng, phong phú trong cách thức đặt tên theo chức năng, theo địa phương, theo chất liệu cấu tạo, theo màu sắc của loại hình phương tiện giao thông đặc biệt này.
Đại Nam quốc âm tự vị (1895) của Huỳnh Tịnh Của ghi 28 tên ghe: ghe bầu, ghe trường đà, ghe cửa, ghe bản lồng, ghe bất mãn, ghe vạch (ghe mỏ vạch), ghe cui, ghe trẹt, ghe chài, ghe lườn, ghe ngo, ghe vợi, ghe giàn, ghe câu, ghe lưới, ghe be, ghe cá, ghe lái ngoài, ghe đuôi tôm then trỗ, ghe hầu, ghe lê, ghe ô, ghe son, ghe sai, ghe chiến, ghe vẹm, ghe khoái, ghe hàng bổ.[17]
Dictionnaire Vietnamien – Francais (1898) của Génibrel thống kê được 38 tên ghe: ghe bầu, ghe biển, ghe cửa, ghe nốc (ghe giã), ghe mành, ghe nang, ghe lồng, ghe lồng chón, ghe bốc chài, ghe trẹt, ghe giàn, ghe rập đáy, ghe cui, ghe cá, ghe rớ, ghe lườn, ghe vạch (mũi vạch, mỏ vạch), ghe câu, ghe rỗi, ghe đò, ghe  hầu, ghe lê, ghe son, ghe vẹm, ghe ô, ghe hồng, ghe quyển, ghe diều, ghe mui ống, ghe giã vọng, ghe sơn đỏ, ghe tiểu điếu, ghe bản lồng, ghe khoái, ghe sai, ghe đại trường đà, ghe chiến, ghe nan.[18]Trong đó có một số loại ghe không phải của (hoặc chỉ có) ở Nam Bộ như: ghe nốc, ghe mành, ghe nang, ghe giã vọng, ghe bầu, ghe đại trường đà.
Dictionnaire Vietnamien – Chinois – Francais (1937) của Gustave Hue chép 40 tên ghe: ghe bản lồng, ghe bầu, ghe bể (ghe biển), ghe bốc chài, ghe cá(ghe câu), ghe cui (ghe be), ghe cửa, ghe chiến, ghe diểu, ghe đại trường đà, ghe đinh, ghe đò, ghe guộc, ghe giã, ghe vọng, ghe giàn, ghe hầu, ghe hồng, ghe khoái, ghe lê (ghe hầu), ghe lồng, ghe chón, ghe lườn, ghe mành (ghe biển), ghe mui ống, ghe nan, ghe nốc (ghe biển), ghe ngo, ghe quyển, ghe rập đẩy (ghe be), ghe rỗi, ghe rớ, ghe sai, ghe son, ghe sơn đỏ, ghe tiểu điếu, ghe trẹt, ghe vạch (ghe mỏ vạch, mũi vạch), ghe vụn (ghe son), ghe nan.[19]
Dictionnaire Vietnamien Chinois Francais (1957) của E. Gouin cho ta 39 tên ghe: ghe bầu, ghe be, ghe bể (ghe biển), ghe bốc chài, ghe cá, ghe câu, ghe cui, ghe cửa, ghe chiến, ghe chiều, ghe giàn, ghe diểu, ghe đại trường đà, ghe đinh, ghe đò, ghe giã, ghe giã vọng, ghe hầu, ghe kẻ, ghe khoái, ghe lê (ghe hầu), ghe lồng, ghe lườn, ghe mành, ghe mui ống, ghe nan, ghe nốc, ghe ngo, ghe quyển, ghe ô, ghe rỗi, ghe rớ, ghe sai, ghe son, ghe sơn đỏ, ghe tiểu điếu, ghe trẹt, ghe vạch, ghe vẹm (ghe son).[20]
Tự vị tiếng Việt miền Nam (1993) của Vương Hồng Sển cung cấp 32 tên ghe: ghe bầu, ghe trường đà, ghe nạn, ghe cửa, ghe bản lồng (ghe lồng), ghe bất mãn, ghe vạch (ghe mỏ vạch), ghe cui, ghe trẹt, ghe lườn, ghe be, ghe ngo, ghe vợi, ghe đò, ghe giàn, ghe câu, ghe lưới, ghe cá, ghe lái ngoài, ghe đuôi tôm then trỗ, ghe hầu, ghe lê, ghe ô, ghe son, ghe sai, ghe chiến, ghe điệu, ghe vẹm, ghe khoái, ghe hàng bổ, ghe bè, ghe chài.[21]
Từ điển phương ngữ Nam Bộ (1994) do Nguyễn Văn Ái chủ biên đếm được 15 tên ghe: ghe bản lồng, ghe bầu, ghe bầu nóc, ghe be, ghe cà vom, ghe chài, ghe chài lớn, ghe cui, ghe cửa, ghe giàn, ghe hầu, ghe lồng, ghe lườn, ghe mỏ vạch, ghe ngo.[22] Đây là số tên ghe được ghi nhận ít trong số 5 cuốn từ điển trên và ít hơn trong thực tế rất nhiều.
Các từ ngữ liên quan đến chiếc ghe cũng được thể hiện khá rõ, chỉ riêng trong  Đại Nam quốc âm tự vị  của Huỳnh Tịnh Của đã có: ở ghe, đi ghe, về ghe, ra ghe, lui ghe, xuống ghe, coi ghe, đậu ghe, ghe guộc. Về tục ngữ thì có câu: Ghe không lái như gái không chồng.[23]
Xung quanh chuyện ghe xuồng ở Nam Bộ đã để lại dấu ấn qua nhiều địa danh, chẳng hạn như: Nhà Bè, Cái Bè, Vũng Tàu, Rạch Tàu…
Nhà Bè vốn gắn liền với truyền thuyết Võ Thủ Hoằng (đọc trại thành Huồng), nhà giàu có, thường cho vay nặng lãi. Sau sợ bị trừng phạt nơi âm phủ bèn phát tích làm lành, dựng nhà bè nơi ngã ba sông, trên để gạo củi mắm muối cho khách lỡ đường. Truyền thuyết Thủ Huồng với môtip “du địa phủ” này, nay hãy còn để lại dấu vết ở chùa Chúc Đảo (thường gọi chùa Sau hay chùa Thủ Huồng), xã Hiệp Hoà, thành phố Biên Hoà.
                                          Nhà Bè nước chảy chia hai
                                      Ai về Gia Định Đồng Nai thì về
Trên sông  La Ngà (Đồng Nai) và Long Xuyên (An Giang) trên sông Hậu nay là những nhà bè nuôi cá nổi tiếng, mà con cá basa đã đi vào thị trường nước Mỹ.
Theo Sơn Nam trong Bến Nghé xưa thì Cái Bè (Tiền Giang) vốn do ghe bè, một loại ghe lớn, tụ tập mua bán lên Campuchia mà thành tên đất. Cái trong từ cổ chỉ sông rạch.
Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu), Rạch Tàu (Cà Mau) là những nơi tàu thuyền thường trú đậu.
Trong diễn xướng dân gian Nam Bộ, hò sông nước chiếm một vị trí quan trọng. Liên quan đến việc đi lại trên sông nước có thể kể ra như những điệu hò như: hò chèo ghe, hò mái đoản, hò mái nhì, hò mái trường, hò khoan, hò mái ố, hò Đồng Tháp, hò Sông Hậu…Có những câu tư duy nghệ thuật dân gian đạt đến mức táo bạo:
                                     Nước Tân Ba chảy qua Vàm Cú
                                     Thấy em chèo cặp vú muốn hun
Gắn với ghe xuồng còn có nhiều bài vè mô tả lại các hoạt động sản xuất, mua bán: Vè đánh lưới, Vè đi biển, Vè lái rỗi, Vè đường sông Lục Tỉnh, Vè thương hồ…
Đua ghe là một trò chơi giải trí mang tính cộng đồng không thể thiếu được ở miền Tây Nam Bộ. Hoạt động này thường diễn ra vào dịp Tết, dịp lễ, cúng đình…Người ta thường tổ chức đua ghe giữa các thôn ấp với nhau. Ghe đua của người Việt là loại ghe be, ghe trảng lườn. Trong khi đó ghe đua của người Khơme lại là ghe ngo.
C. Lemire trong tác phẩm Cochinchine Francaise et Royaume de Cambodge (1884) của mình đã mô tả lại cảnh đua thuyền độc mộc đầy náo nhiệt trên sông Sài Gòn vào cuối thế kỷ XIX. Đây chính là những cuộc đua ghe ngo hào hứng mà ta thường thấy trong các dịp lễ Óoc-om-bóc ở Sóc Trăng. Đọc lại đoạn trích này để thấy được sức sống mãnh liệt của một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đậm đà bản sắc của dân tộc Khơme, mà đã có một thời người ta phục hồi lại ở thành phố Hồ Chí Minh những năm đầu 90 của thế kỷ trước.”Mỗi năm ở Sài Gòn vào ngày 15 tháng tám có đua ghe kỳ lạ. Trên sông Sài Gòn bề ngang từ ba đến bốn trăm mét vắt ngang qua thành phố, khoảng 20 ghe độc mộc dài, thon có treo cờ: ở đằng đầu sừng sững một đầu rồng bằng cáctông với sừng và râu dài bằng dây sắt, ở đằng sau là hình cái đuôi của con quái vật. Các thuyền độc mộc này hẹp đến nỗi hai người chỉ có thể ngồi đối diện nhau trên một cái băng nhỏ (…). Ba chục người ngồi ép sát nhau trên các ghe mảnh mai này và chờ lệnh. Một phát đại bác từ soái hạm được bắn đi, chuông trống đáp lại và các ghe lướt trên sóng thi đua chèo nhanh. Các bạn tưởng đâu là những con rắn, rất quái đản lướt trên nước. Các tay chèo mình trần đến thắt lưng, màu da hơi xanh xanh màu ô liu, bắp thịt nổi vồng; (...)Âm thanh của các nhạc cụ xa lạ này, những tiếng la thét này làm người ta liên tưởng đến các cuộc tấn công của giặc cướp rất thường xảy ra ngày trước trên các sông lớn này (…)[24]
Một khía cạnh văn hóa liên quan đến ghe xuồng đó là tín ngưỡng xung quanh loại phương tiện giao thông thuỷ đặc biệt này. Người đóng ghe thì có lễ cúng ghim lô, cúng khai nhãn, cúng hạ thuỷ, đại khái cầu cho mọi việc được hanh thông. Người sử dụng ghe thì cúng ở đầu mũi ghe cầu cho mua mai bán đắt (dân thương hồ), đánh bắt được nhiều cá tôm (nghề hạ bạc), chở khách được an toàn (dân tàu đò)…
         Đặc biệt mắt ghe là một biểu tượng văn hóa cần được giải mã. Mắt ghe từ TP.Hồ Chí Minh đến Kiên Giang cùng chung đặc điểm là mắt tròn, tròng đen, nhãn trắng, mang ghe được trang trí nhiều kiểu dáng khác nhau với đường viền trắng chạy xung quanh.
         Nhìn chung, sự khác biệt về hình dáng, màu sắc, đường nét của các con mắt thuyền ở từng vùng miền là do thị hiếu thẩm mỹ, trình độ tay nghề của những người thợ đóng ghe thuyền và phong cách này cũng thường mang tính ổn định. Mắt ghe thuyền được trang trí lại sau một thời gian sử dụng.
Lời kết
          Ghe xuồng ở Nam Bộ vừa là một loại phương tiện giao vô cùng hữu hiệu, nó gắn bó vô cùng mật thiết với cư dân vùng sông nước, lại vừa là ẩn chứa bên trong những giá trị văn hóa vô cùng độc đáo. Mai đây, ở vùng châu thổ này, phương tiện khoa học kỹ thuật có phát triển đến mấy đi nữa, đời sống người dân có khấm khá hơn lên, nhưng chắc rằng vai trò của “người bạn đường” này là không thể thay thế được.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Thạch Phương, Đoàn Tứ chủ biên, Địa chí Long An, Nxb Long An- Khoa học xã hội, 1989.
2.Nhiều tác giả, Địa chí An Giang, UBND tỉnh An Giang, 2003.
3. Nhiều tác giả, Địa chí Cần Thơ, Tỉnh uỷ- UBND tỉnh Cần Thơ, 2003.
4. Thái Doãn Mười chủ biên, Địa chí Đồng Nai, tập IV, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2001.
5. Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường chủ biên, Văn hóa & cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.
6. Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh chủ biên, Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
7. Sơn Nam , Bến Nghé xưa, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1981.
8. Phan Thị Yến Tuyết chủ biên, Xóm nghề và nghề thủ công truyền thống Nam Bộ, Nxb Trẻ, 2002.
9. Nguyễn Hữu Hiệp, Sông núi quê nhà, Hội Văn học nghệ thuật An Giang, 1993.
10. Nguyễn Hữu Hiệp, An Giang văn hóa một vùng đất, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003.
11. Huỳnh Ngọc Trảng, Nam Bộ, Nxb Đồng Nai, 1998.
Nguồn: Tác giả cung cấp
Người post bài: Nguyễn Thị Thúy Vy   

SỰ HỖN DUNG VĂN HÓA TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN Ở NAM BỘ

Tác giả: Nguyễn Hồng Nhựt ( sưu tầm)

SỰ HỖN DUNG VĂN HÓA TRONG TÍN NGƯỠNG

THỜ CÚNG TỔ TIÊN Ở NAM BỘ
Hùynh Ngọc Trảng
Tập tục thờ cúng tổ tiên gồm một tập hợp các nghi thức biểu thị lòng hiếu kính, khiến cho con cháu biết giữ lấy lòng “báo bản tư nguyên”, báo đáp và tưởng nhớ nguồn gốc, thủ nghĩa uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Ngoài khía cạnh phong hóa và ý nghĩa đạo lý, đây là một dạng thức tín ngưỡng liên quan đến hồn người chết, thuộc phạm trù duy hồn giáo. Trong phạm vi của chuyên đề này, khía cạnh tín ngưỡng của tập tục thờ cúng tổ tiên ở Nam Bộ xưa, hay cụ thể hơn là dạng thức tín ngưỡng liên quan đến việc thờ cúng vong hồn là đối tượng khảo cứu chính.
1. Theo quan niệm truyền thống, chịu ảnh hưởng Đạo giáo và Nho giáo, thì con người, ngoài thân thể - phần vật chất hữu hình - còn có phách và hồn. Phách (chữ Nôm gọi là vía) là phần vô hình, do thân thể biểu hiện ra. Khi thân thể chết thì phách cũng không còn nữa. Theo Đạo gia, người ta có bảy phách: thi cẩu, phục thỉ, tước âm, thôn đặc, phi độc, trừ uế và xú phế. Bảy phách còn được gọi là 7 “trọc quỷ” là thứ nặng nề, đen tối nên chìm xuống thấp (trọng ám trầm hạ) khác với hồn là thứ nhẹ và sáng luôn bay bổng (khinh quang thăng thượng). Hồn (hay linh hồn) là phần tinh thần vô hình, chỉ nhập vào thân thể mà thôi, chứ không là biểu hiện của thân thể; do đó, khi thân thể chết đi thì linh hồn lại xuất ra, tiếp tục tồn tại trong thế giới vô hình.
Đại Nam quốc âm tự vị định nghĩa “hồn phách: đồng nghĩa với hồn vía và hồn xác” (T.II, tr.181, 551) và hồn là “cốt tử làm cho người ta sống, sự sống, mạng sống, vật linh thiêng ở trong mình người ta” (T.I, tr.443) và vía là: “hồn sống, hơi, bóng người ta” (T.II, tr.551)(1). Sự giải nghĩa của tác giả Đại Nam quốc âm tự vị về cơ bản là không khác với quan niệm truyền thống về hồn phách (hồn vía), song ở đây, lại chỉ rõ mối quan hệ phụ thuộc của phách (vía) với thể xác khi đồng nhất hồn phách, hồn vía với hồn xác. Nói cách khác, vía là “hồn sống”, là “hơi”, là “bóng” của con người và khi thể xác chết thì vía cũng tiêu hủy đi, khác với hồn là “vật thiêng liêng ở trong con người” và là “cái cốt tử làm cho người ta sống”.
Tác giả Đại Nam quốc âm tự vị cũng đề cập đến số lượng của hồn và vía khi giải thích tập tục “hú ba hồn, chín vía” (2) và cũng đã đề cập đến tục kêu hồn kẻ mới tắt hơi, và các nghi tiết tang lễ được định chế hóa trong sách Gia lễ và các tập tục mê tín của giới thầy pháp liên quan đến hồn người chết (truy hồn, bắt hồn, cầu hồn) đã từng phổ biến ở Nam Bộ trước đây. Các địa phương chí Hán Nôm thời nhà Nguyễn không đề cập đến chi tiết các nghi tiết tang lễ và việc thờ cúng tổ tiên mà chỉ nhắc sơ sịa rằng “về tang tế hay dùng gia lễ văn công” (Gia Định thành thông chí). Do đó, những cứ liệu trong Đại Nam quốc âm tự vị là những cứ liệu lịch sử quý giá giúp chúng ta tìm hiểu về dạng thức tín ngưỡng này ở Nam Kỳ. Từ thời thuộc địa về sau, ở Sài Gòn, sách Gia lễ, Thọ Mai gia lễ cũng được xuất bản và tái bản nhiều lần. Điều này đã cho thấy sự phổ biến của các nghi tiết tang lễ, cũng như các gia lễ truyền thống chung ở vùng đất này. Tuy nhiên, các loại sách gia lễ ấy không đáp ứng yêu cầu khảo cứu về tín ngưỡng thờ vong hồn, tập tục tang lễ của địa phương Gia Định - Sài Gòn. Các công trình nghiên cứu về lễ nghi, tín ngưỡng của người An Nam viết bằng tiếng Pháp (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ này) có đề cập đến các tập tục tang lễ Nam Kỳ, đáng chú ý nhất là công trình của Lê Văn Phát(3). Vốn là thư ký tham biện Chợ Lớn, Lê Văn Phát đã cung cấp những tư liệu dựa trên những quan sát thực tế của địa phương này, giúp cho sự đối chứng của chúng ta trong việc tìm hiểu những đặc điểm của tục thờ cúng vong hồn.
Khi người mệnh một vừa mới tắt thở, thân nhân thực hiện nghi thức phục hồn: lấy chiếc áo của người mệnh một vừa mới thay hoặc chiếc áo người ấy thường mặc lúc còn sống, tay trái cầm cổ áo, tay phải cầm lưng áo, từ mái nhà trước leo lên nóc nhà mà kêu hồn người ấy: “Hú ba hồn bảy vía ông... (hay ba hồn chín vía bà...) ở đâu thì về”. Nghi thức này có mục đích thực tiễn là cầu mong người ấy hoặc có thể sống lại được chăng và cũng nhằm xác định là người ấy đã chết hẳn, tức hồn người ấy đã lìa hẳn xác, không trở về nữa.
Ngay sau đó, người ta lấy bảy thước ta (# 0,m40 x 7) lụa trắng đặt lên ngực người chết nhằm khi người ấy trút hơi thở cuối cùng thì hồn chuyển qua ẩn vào đó. Khúc lụa này đem kết thành hình nhân (có đầu, mình, hai tay, khúc thừa làm chân) và đặt vào một cái quả (thường dùng quả đựng trầu) đậy kín nắp để giữ cho hồn không thoát ra ngoài, để khi nhập quan, thiết lập linh sàng thì đem đặt ở đó mà sớm tối cúng lễ. Khi cúng lễ, người ta chỉ mở he hé nắp quả và khi lễ tất lại đậy kín nắp lại.
Các nghi thức tắm rửa thân thể người chết (mộc dục), phạn hàm, thay y phục, đắp mặt..., tập tục phổ biến là lập bàn cúng cơm chong đầu. Dùng một bàn nhỏ đặt ngay đầu người chết làm bàn cúng. Lễ vật chính là một đĩa có ba vắt cơm, một quả trứng gà luộc đã cắt làm ba miếng và một ít muối. Lễ vật này, cũng như ba chén cơm cúng trong các lễ phó thời (còn gọi là thượng thực) sau khi tẩn liệm, lúc quan tài còn đình tại nhà, phần chính giữa dành cho người chết và hai phần hai bên dành cho kem.
Đại Nam quốc âm tự vị định nghĩa kem là “quỷ câu hồn” và giải thích: “Tục truyền, hễ khi con người đau nặng gần chết, thường có hai thằng kem chực một bên mà rước hồn” (T.I, tr.471). Ở Nam Bộ, thành ngữ “giục như kem” có nghĩa rằng hai quỷ câu hồn này luôn luôn thúc bách hồn người chết cấp tốc đi theo mình. Song sự có mặt của lễ vật ba chén cơm, trong đó có 2 chén dành cho kem trong các lễ phó thời, vào các bữa cúng ngọ, cho vong hồn(4), trước ngày chuyển cữu đã cho thấy hồn người chết vẫn chưa phiêu diêu theo kem: hồn vẫn còn nương dựa nơi hồn bạch.
Hồn bạch trong quả được rước ra mỗi khi cúng tế sáng tối (triêu tịch điện) và rước đi yết tổ (yết từ đường của tộc họ người chết) và đặt trên linh xa trong lúc chuyển linh cữu ra nơi an táng. Sau khi hạ huyệt, người ta mở quả lấy hồn bạch ra, lắc lay nhiều lần nhằm đánh thức hồn và khấn vái để chuyển linh hồn từ hồn bạch nhập vào thần chủ (bài vị). Hồn bạch được đặt xuống huyệt, chôn cùng quan tài. Sau nghi thức đề chủ này, thần chủ (bài vị) được coi là “nơi trú ngụ của hồn” (cách gọi của Lê Văn Phát, tài liệu đã dẫn, tr.117) được rước về thờ ở bàn thờ đã lập ở nhà.
Theo quan niệm truyền thống, vì người chết, thể phách đã chôn xuống đất và thần hồn còn bơ vơ chưa định nên sau khi an táng lại có lễ tế ngu (tức là lễ an sàng, lễ tế an vị) để cầu cho thần hồn được ổn định. Tế tuần đầu, sau lễ tống táng xong gọi là sơ ngu; lần thứ hai chọn ngày nhu là ngày có thiên can thuộc âm - Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý - làm lễ tái ngu; lại chọn ngày cương - Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm - làm lễ tam ngu. Mục đích tín ngưỡng của lễ tế ngu bộc lộ rõ trong lời mật cáo khi tiến hành lễ này: Chủ nhân đốt hương đứng ngay thẳng, nâng hương lên trán cáo rằng: “Xin phụ thân (hoặc mẫu thân) từ trên dương giáng lâm thần vị”. Rồi lại bưng chén rượu nâng ngang trán cáo rằng: “Xin phụ thân (hoặc mẫu thân) từ dưới âm nhập lên thần vị”. Cáo xong đổ cả chén rượu lên sa mao(5).
Theo thông tục, lễ sơ ngu được cử hành sau khi an táng trở về, ngày kế tiếp làm lễ tái ngu và sang ngày thứ ba, sau lễ mở cửa mả làm lễ tam ngu mà không kể ngày cương hay ngày nhu. Thời kỳ sau khi an táng, ngày ngày tang chủ đều cúng cơm ba hoặc hai bữa - gọi là lễ hiến thực - và đến ngày sóc vọng lại dọn cỗ bàn trọng hậu hơn gọi là cúng tuần - hiểu theo âm lịch là một tháng có 2 tuần: 1-15, 15-30. Lễ hiến thực chấm dứt sau 100 ngày, vào dịp tốt khốc (hết tiếng khóc). Lễ cúng sau đó là nhằm kỷ niệm ngày giáp một năm chẵn kể từ ngày chết gọi là tiểu tường; và kết thúc thời kỳ tang khó là lễ giỗ mãn khó, gọi là đại tường. Từ đây về sau, hàng năm tổ chức giỗ, gọi là cát kỵ. Thần chủ của người chết được nhập vào bàn thờ chung với các thần chủ của tổ tiên đã quá vãng vào dịp sau 49 ngày (tuần thứ bảy, hoặc tiểu tường, hay đại tường) tùy theo từng gia đình. Cái thần chủ này sẽ được đem chôn vào dịp lễ mai thần chủ khi người chết ấy đã trở thành tổ tiên thuộc ngũ đại, tức đến cháu đời thứ năm của họ, tức trên dưới 100 năm sau ngày người ấy tạ thế.
Những nghi tiết trình bày trên cho chúng ta thấy rằng tập tục thờ cúng tổ tiên cũng được gọi là “đạo thờ ông bà”(6), là một dạng thức tín ngưỡng thờ hồn người chết. Thần chủ (bài vị) được coi là nơi trú ngụ của vong hồn. Hồn người chết và tổ tiên quá vãng, đứng về mặt tín ngưỡng mà xét, là một tập hợp gia thần, có chức năng chứng giám và phò hộ cho con cháu về mọi mặt. Điều này đã giải thích được các hình thức lễ nghi kính cáo gia tiên vào các dịp trọng đại của gia đình như sinh đẻ, cưới xin, thi cử, thăng quan tiến chức... cũng như việc cúng cáo trong các dịp lễ tứ thời tiết lạp và cả những lúc cầu xin tổ tiên phù hộ trong công việc làm ăn hay lúc gia đình gặp hoạn nạn. Tổ tiên quá vãng, không còn thấy nữa, nhưng không bỏ gia đình, gia tộc. Tất cả còn ngự ở nhà, trên bài vị (thần chủ), vị nào không còn ngự ở đó thì di chuyển sang nhà thờ họ; vị nào quá ngũ đại, thần chủ được đem chôn, song họ vẫn còn phảng phất trong tập hợp tổ tiên quá vãng. Con cháu không chỉ được tổ tiên phò hộ mà còn bị tổ tiên giáng tai họa nếu không làm tròn nghĩa vụ hiếu nghĩa.
Quan niệm thần chủ (hay bài vị) là nơi trú ngụ của vong hồn là một sự xác tín của con cháu người quá vãng hơn là một sự xác lập dựa trên một giáo thuyết nào đó, như quan niệm sự thăng đọa theo lý âm dương của Nho gia và Đạo gia chẳng hạn. Rõ ràng là nghi tiết đề chủ và lời mật khấu trong lễ tế ngu đã cho thấy hồn và phách đã tách ra được gọi về nhập vào thần chủ. Song điều đó hoàn toàn không có nghĩa là thần chủ là nơi cư trú thường xuyên và vĩnh viễn của vong hồn mà chỉ là những nghi tiết nhằm xác định chỗ trở về cho hồn người quá vãng mà thôi. Chính vì vậy mà mỗi lần cúng giỗ, người ta làm lễ tiên thường cáo với thần Thổ địa, Thổ công để xin phép cho hồn người chết được về hưởng giỗ và đặc biệt hàng năm, vào ngày cuối tháng Chạp, người ta làm lễ rước ông bà và sau mấy ngày xuân nhật lại làm lễ tiễn ông bà. Các nghi thức này chỉ rõ, vong hồn không cư ngụ thường trực ở gia đình, song luôn luôn trở về khi con cháu thành khẩn cầu thỉnh, theo nguyên tắc “hữu cầu tắc ứng”.
Ở Gia Định - Sài Gòn, theo Lê Văn Phát lại có một thứ mê tín về hồn thư. Theo đó, người ta cho rằng trong vòng từ 10 ngày đến 100 ngày sau khi chết, vong hồn sẽ từ dưới mả chui lên, dưới dạng một quả cầu lửa, xoáy tròn và phóng vụt lên cao như sao chổi. Thân nhân người chết nếu nằm trên đường đi của quả cầu lửa ấy sẽ bị chết giấc. Những người bị “hồn thư” này chỉ được cứu sống bằng nước tro của nắm cơm chong đầu và 3 tờ giấy đắp mặt của người chết ấy. Chính vì vậy, mà có tục khi tẩn liệm, tang chủ luôn giữ lại nắm cơm đầu và ba tờ giấy đắp mặt để phòng khi hữu sự; cũng như tục dùng lá ráy đắp mặt những đứa trẻ chết non – được coi là con ranh con lộn – với mục đích là làm cho hồn kẻ yểu tử không nhớ đường trở về mà phá hại gia đình(7).
Các tập tục nói trên đã khẳng định thêm: vong hồn không tồn tại thường trực ở trong gia đình - cụ thể là trên bàn thờ gia tiên, trên thần chủ. Quan niệm này hẳn là quan niệm chính thống của Đạo giáo và Nho giáo. Khi hơi thở (khí) của con người tắt, thì phách (vía) trở về với đất và khí (còn gọi tánh linh) bay lên chỗ sáng rõ trên cao(8). Sách Lễ ký viết rằng: “Khí là sung mãn của thần, và phách là sung mãn của quỷ, do đó, khí phách được gọi cung kính là quỷ thần”. Về vấn đề quỷ thần, sách Trung dung viết: “Cái đức của quỷ thần thịnh lắm thay! Nhìn mà chẳng thấy, lắng tai mà chẳng nghe, thể hội hết các vật mà không sót vật nào, khiến cho trong thiên hạ ai nấy đều trai giới sạch sẽ, mặc đồ tốt để tế lễ, cuồn cuộn như ở khắp nơi trên đầu mình, bên cạnh mình".
Như vậy, việc thờ phụng tổ tiên, theo quan điểm Nho gia, là thuộc đạo thờ quỷ thần, sự sung mãn của khí phách ở trong tất cả mọi vật: vạn vật hữu linh (animism). Chủ trương “quỷ thần kính nhi viễn chi” của Khổng Tử nhằm mục đích hướng mọi sự quan tâm của Nho gia vào những vấn đề của xã hội trần thế, do đó việc các thánh nhân xiển dương đạo thần minh là làm phương tiện giáo hóa để trong thiên hạ đều quy phục nhằm thủ nghĩa tưởng nhớ nguồn gốc. (Thánh nhân dĩ thần đạo thiết giáo nhi thiên hạ phục hỷ/ Thoán truyện, quẻ quan. Kinh Dịch). Xuất phát từ mục đích như vậy nên Nho gia chỉ cho rằng hồn bay lên cõi “chiêu minh sáng rõ trong vũ trụ”. Tuy nhiên, nguyên lý âm dương tự nó đã dẫn đến sự suy diễn về sống - chết, cõi dương - cõi âm, dương gian - âm phủ. Thế nhưng, cõi dương - cõi âm, dương gian - âm phủ của Nho gia chỉ dừng lại ở mức là những danh lý; và như vậy, quan niệm khi người chết có hai thằng kem - quỷ câu hồn - “chực sẵn một bên mà rước hồn” có lẽ là một quan niệm có nguồn gốc Phật giáo.
Sách Gia Định thành thông chí viết rằng tang lễ ở Gia Định “hay dùng gia lễ Văn công và nghi tiết Khâu thị (...) Lại có tục ở tang theo đạo Phật cúng cơm mới thôi"(9).
Lệ cúng cơm 49 ngày không được nói đến trong sách Thọ Mai gia lễ, nhưng lệ này rất phổ biến. Theo một quan niệm truyền thống, thì con người sinh ra, qua 7 ngày thì được một “lạp” và sau khi mất, 7 ngày là một “kỵ”. Mỗi lạp sinh ra một vía, và sau mỗi kỵ tan đi một vía. Như vậy, mỗi người có 7 vía, cho nên có nhà cứ 7 ngày cúng một lần, còn thông thường thì cúng vào ngày 49 (vừa tròn 7 tuần) - gọi là lễ chung thất, và cúng vào ngày hôm sau, ngày thứ 50 - là lễ năm mươi  ngày(10).
Tuy nhiên, theo lễ nhà Phật, cứ 7 ngày là một tuần chay. Cúng đủ 7 tuần chay là tròn 49 ngày, gọi là lễ thất thất trai tuần, cũng gọi là lễ năm mươi ngày.
Lễ này có nơi cúng ở nhà, có hoặc không mời quý thầy đến tụng kinh cầu siêu, có nơi đem lễ vật vào chùa làm chay nhờ nhà sư tụng kinh bạt độ để cho vong hồn được siêu thăng Tịnh độ. Nhà giàu ở Nam Bộ trước đây có tổ chức “trong chay ngoài bội” đến 3, 7 ngày liền. Theo kinh Địa Tạng thì: "Từ khi tạ thế, trong 7 tuần đầu, thần thức chưa có định sở đang còn vơ vẩn khắp nơi. Nếu tang gia vì người quá vãng chí thành cầu nguyện, Phật sẽ tiếp độ”. Xuất phát từ giáo thuyết này, các tín đồ Phật giáo, khi có thân nhân qua đời thường tổ chức lễ “thất thất trai tuần” để cầu cho vong hồn - thần thức - được vãng sanh về cõi Cực Lạc, thoát khỏi u đồ nơi địa ngục.
Đối với đạo Phật, theo lý của Duy thức luận "Nhất thiết duy tâm, vạn pháp duy thức” thì thiên đàng, địa ngục đều do tâm tạo. Song theo nhân quả luận dân gian lại biện sự có khác. Cõi Ta bà do Phật Thích Ca Mâu Ni làm giáo chủ gồm ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Tổng cộng có 32 tầng trời. Riêng cõi Dục giới có mười tầng trời: Tha hóa, Hóa lạc, Đâu suất, Dạ ma, Đao lợi, Tứ thiên vương, Nhựt nguyệt tinh tú, Thường phóng dật, Trì hoa man, Kiên thủ. Từ tầng trời Đao lợi trở xuống đều thuộc về dưới đất nên nương theo núi Tu di. Núi Tu di cao 84.000 do tuần, sâu 84.000 do tuần, có bảy biển Hương thủy - ngăn cách nhau bởi bảy dãy núi hình vòng nguyệt - bao quanh. Núi Tu di là ngọn núi trung tâm của bốn lục địa, gọi là Tứ đại bộ châu, nằm ngoài bảy biển Hương thủy, tọa lạc ở bốn phương: Bắc câu lô châu, Nam thiệm bộ châu (tức quả đất của chúng ta), Đông thắng thần châu và Tây ngưu hóa châu. Vòng ngoài là hàm hải có bảy vòng núi Thiết vi (còn gọi là Luân vi, hay Thước ca la) bao bọc. Ở dưới đáy núi Thiết vi là địa ngục(11).
Theo thuyết luân hồi của đạo Phật, "hồn" của con người là bất diệt. Khi chết, tùy theo tội phước của người ấy mà được về cõi Cực Lạc hay phải xuống địa ngục hoặc sẽ được đầu thai theo tứ sanh lục đạo.
Nói tổng quát là vậy, nhưng theo Phật giáo dân gian lúc đó, dù được siêu thăng đến cõi Tây phương Cực Lạc, thiên đường hay đi đầu thai kiếp khác thì hồn người chết phải đến Phong Đô (còn gọi là âm ty, âm phủ) do Phong Đô đại đế chưởng quản. Ở đây có thập điện do mười vị Minh vương thống quản với nhiệm vụ thưởng công phạt tội các vong hồn: 1. Tần Quảng vương, 2. Sở Giang vương, 3. Tống Đế vương, 4. Ngũ Quảng vương, 5. Diêm La vương, 6. Biến Thành vương, 7. Thới San vương, 8. Bình Chánh vương, 9. Đô Thị vương, 10. Chuyển Luân vương.
Tần Quảng vương thống quản điện thứ nhất ở dưới biển lớn, hướng chánh Tây, theo đường hắc đạo, Huỳnh tuyền. Vị Minh vương này cầm sổ sống chết, trị việc âm phủ. Phàm người hiền đức mãn phần thì Tần Quảng vương cho lệnh tiếp dẫn về cõi trời hoặc về Tây phương Cực Lạc (còn gọi là cõi Tịnh độ do Phật Di Đà làm giáo chủ). Những người tội phước bằng nhau thì được chuyển thẳng đến cửa thứ mười cho đầu thai hoặc gái làm trai, hoặc trai làm gái. Còn những vong hồn phước ít tội nhiều thì làm án và chuyển qua điện thứ nhì đến điện thứ chín để cầm ngục và hành tội.
Từ điện thứ nhì đến điện thứ chín, mỗi điện có một ngục lớn và 16 ngục nhỏ, tổng cộng có 8 ngục lớn (Hoạt đại địa ngục, Hắc thằng, Hợp đại, Khiếu hoán, Đại khiếu, Nhiệt não, Đại nhiệt não, A tỳ), 128 ngục nhỏ (tên gọi theo các hình phạt mà tội nhân phải chịu) và hai nơi gia hình quan trọng khác là Huyết ô trì (ao máu dơ) và Uổng tử thành (nơi trú ngụ vong hồn những kẻ chết oan, chờ hồn kẻ hãm hại mình xuống chịu xử phạt trước mặt họ).
Điện thứ mười do Chuyển luân vương chưởng quản, ở tại đáy biển Đông. Nơi đây có tất cả 36 cầu làm bằng vàng, bạc, ngọc, đá, gỗ... và đặc biệt là cầu Nại Hà, một chiếc cầu vòng tròn dùng để xử phạt các tội nhân: rơi xuống sông cho chó nhai, thuồng luồng, rắn giải cắn xé. Các vong hồn sau khi xử phạt ở các điện giải về đây rồi sang sổ chuyển kiếp để định tội phúc mà cho đầu thai lên các phương thế gian theo “lục đạo”(12).
Như vậy, theo quan niệm luân hồi và chuyển kiếp vừa trình bày trên thì khi chết, hồn đã bị kem (còn gọi là quỷ vô thường) dẫn xuống âm phủ và từ nhất điện, hồn được đến các cung trời hoặc đọa xuống các tầng địa ngục để hành tội và đầu thai. Do vậy, theo đạo Phật, hồn của người quá vãng không còn ở trần thế và tổ tiên không là một tập hợp gia thần có chức năng bảo hộ con cháu. Trái lại, các nghi tiết tang tẩn, cúng kiến liên quan đến người chết là công quả của thân nhân họ, thông qua chư Tăng, nhằm cầu khẩn chư Phật, Bồ tát, đặc biệt là Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật, Địa Tạng Vương Bồ tát tiếp chơn hồn được mau chóng siêu độ và được trực vãng về cõi Cực Lạc Tây phương.
Xuất phát từ hai quan niệm khác nhau về vong hồn nên nghi tiết tang lễ và thờ cúng tổ tiên của gia lễ Nho gia và khoa nghi tang tẩn “Chánh độ thế nhơn”(13) của nhà chùa có ý nghĩa và mục đích tín ngưỡng khác nhau, mặc dù khoa nghi tang tẩn của nhà chùa đã dựa vào những nghi tiết của gia lễ để cải biên thành nghi tiết khoa nghi của thiền môn.
Nói chung, không chỉ trong nghi tiết tang tế mà cả trong quan niệm về hồn người chết của dân gian ít khi có sự phân biệt rạch ròi. Nói chung hồn bất tử: “thác là thể phách, còn là tinh anh” là quan niệm truyền thống phổ biến chung. Tuy nhiên, quan niệm của đạo Phật có phần rõ rệt hơn về các nơi đến của những vong hồn.
Người chết - nếu bản thân họ khi còn sống biết tu niệm, biết làm lành lánh dữ, thì khi chết thần thức sẽ được siêu thoát, vãng sinh về cõi Cực Lạc và mặt khác, sự thực hiện các nghi thức cầu siêu, trai đàn của thân nhân cũng có tác dụng giải thoát cho "vong hồn" thân thích của mình được siêu thoát, được đầu thai làm một kiếp đời mới mà không bị đọa vào địa ngục, làm quỷ đói, hay súc sinh... Điều đó chỉ có thể thực hiện được đối với những người chết bình thường, có con cháu cử hành lễ tế, thờ cúng. Đạo Phật cũng chú trọng đến mối quan hệ của thân nhân và người quá vãng. Nếu con cháu biết bố thí, làm việc phúc đức, trang nghiêm Phật tượng, ấn tống kinh điển, cúng dường chư Tăng... thì "vong hồn" người chết cũng được hưởng quả phúc ấy mà siêu độ. Do đó, những người bị chết “bất đắc kỳ tử”, chết dưới sông ngoài biển, bị tai nạn xe cộ, chết ở đầu đường xó chợ, chết nơi rừng thiêng nước độc, nơi chiến địa sa trường, nơi lao tù hình ngục... không ai chôn cất, không người thờ cúng thì thành ma đói, quỷ khát không được siêu thoát, đầu thai. Trong tất cả các đẳng cô hồn thường gọi là thập loại chúng sinh cô hồn ấy, một số bị giam giữ ở các ngục dưới âm phủ và một số lại vất vưởng quanh nơi bị tử nạn để trêu ghẹo, chọc phá hay hãm hại người sống - bắt người chết thế mạng! Do đó, để vong hồn những người chết bất đắc kỳ tử - nhất là kẻ chết đuối, bị tai nạn xe cộ, bị hãm hiếp, bức tử, té cây - thân nhân người chết tổ chức lễ vớt vong ngay nơi người ấy bị nạn để chiêu hồn người ngộ nạn và tiếp dẫn hồn này tới cửa chùa “ăn mày kinh Phật” đặng được siêu thoát. Đối với công chúng ở quanh những địa điểm xảy ra những vụ chết oan uổng lại có tục thực hiện các nghi thức giải trừ: hoặc ngăn cản con cháu không lui tới những nơi được gọi là “có huông”, tức nơi có vong hồn luôn chờ bắt người thế mạng, hoặc lập miếu thờ - gọi là miếu cô hồn, hoặc tổ chức lễ cúng cô hồn ở những nơi thuận lợi như sân đình, chợ, ngã ba đường... để giải oan cho một tập thể cô hồn khuất mặt, không có danh tánh vào tháng Bảy âm lịch; và trong gia đình lại có lệ cúng cô hồn tại nhà vào những ngày rằm lớn. Nhà chùa, vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm, tổ chức lễ Vu lan, phiên âm từ tiếng Phạn Ullambhana, có nghĩa là giải thoát, là lễ xá tội vong nhân... Đây là những tập tục tín ngưỡng của tục thờ ông bà, tục cúng lễ liên quan đến hồn người chết.
2. Lễ vớt vong nhằm mục đích chiêu hồn những người chết bất đắc kỳ tử, chết oan ức (chết đuối, bị sát hại, bị tai nạn xe cộ, bị té cây, bị hãm hiếp, bị bức tử...) để hướng dẫn vong hồn này được vào chùa “ăn mày kinh Phật” để giải những oan khiên đặng siêu thoát. Lễ này thường do thân nhân người chết đứng ra tổ chức, song nhiều khi, ở những nơi thường xảy ra tai nạn xe cộ chết người, những sông hồ hay có người bị chết đuối thì dân chúng quanh nơi đó phối hợp với chùa làng cũng tổ chức lễ vớt vong để giải trừ “cái huông” mà người ta cho rằng một ngày nào đó họ và thân quyến họ có thể bị oan hồn bắt thế mạng.
Lễ này luôn được tổ chức ngay tại chỗ người chết ngộ nạn. Do đó, có hai hình thức nghi lễ khác nhau đối với việc người chết bị chết ở trên cạn hay ở dưới nước - gọi là đường thủy và đường bộ. Người làm chủ lễ một nhà sư (hay một thầy pháp) và nếu vớt vong cho một tập thể nhiều vong hồn thì số lượng nhà sư càng nhiều càng tốt. Nghi thức tiến hành: Mở đầu là lễ khai kinh, thường tụng nguyên một bộ kinh như Địa Tạng, Lương Hoàng... Ngoài những đồ lễ và tự khí thông thường, cần thiết có một ô cát. Người chủ lễ ngồi trên quanh nơi người chết đuối vừa tụng kinh vừa bốc cát trong ô ném ra và trì chú Tán sa. Chú này có công năng siêu thăng vong hồn: đọc 21 lần vớt được một vong, 108 lần vớt được tất cả các vong. Nếu vớt vong “đường thủy”, người ta dùng một sợi dây, thắt 12 gút thả từ thuyền xuống nước. Đây là cái “thang” để cho các vong hồn, đủ cả 12 địa chi (12 con giáp: Tý, Sửu... Hợi), theo đó mà lên theo sớ chiêu hồn.
Nếu vớt vong “đường bộ” thì dùng một chiếc xe thay cho thuyền và trước xe có đặt một thau nước có 2 đồng tiền điếu – một sấp, một ngửa (tức một âm, một dương). Người ta cho rằng, các vong hồn bị nạn trên cạn bị khát, nên khi có nước liền xô đến uống nước và khi đó gặp việc vớt vong sẽ được độ luôn.
Một tự khí quan trọng của lễ vớt vong là lá “tràng phan”. Đây là một dải giấy dài, trên đầu có đề chữ “Úm”, chữ đầu của câu chú Phật giáo. Tràng phan chia làm 3 phần: giữa ghi tên họ, ngăn bên phải khi ngày tháng năm sinh; và ngăn bên trái ghi ngày tháng năm tử. Đuôi tràng phan xẻ làm ba dải buông thõng xuống, mỗi dải ghi tên ba vị thần được coi là người coi giữ thể xác của người chết: Bành Cư, Bành Kiên, Bành Chất; và dưới tên thần lại ghi lệnh: Tam hồn câu chí (3 hồn đều tới), Thất phách câu lai (Bảy phách đều lại) hay Cửu phách câu lai (Chín phách đều lại – nếu người chết là phụ nữ). Sau mỗi câu đều ghi thêm chữ “Tốc!” có nghĩa “Ngay lập tức!”. Tràng phan (buộc vào một cành tre) được coi là nơi vong hồn nhập vào dưới sự bảo vệ của U minh giáo chủ Địa Tạng Vương Bồ tát để rước về chùa. Ở đây, người chủ lễ viết bài vị cho vong hồn và đem đặt thờ ở bàn thờ Tứ sanh lục đạo, kết thúc lễ là một bữa cúng thí thực.
Trong thực tế, lễ vớt vong không thuần là một nghi thức Phật giáo mà là một tập tục tín ngưỡng mang tính chất phù phép của Đạo giáo. Xuất phát từ một quan niệm phổ biến xa xưa rằng ở dưới sông nước có một loại thủy thần cô độc – gọi là ma lạp thích bắt người cả hai phái để cho có bạn có đôi(14). Do đó, những người bị chết đuối được hiểu là bị ma lạp bắt. Tục truyền, hồn những người chết đuối sẽ trở thành ma da nếu trong một trăm ngày hồn họ không được thầy pháp làm phép kéo hồn lên trần thế. Quá thời hạn này, hồn nạn nhân không muốn trở thành ma da vĩnh viễn phải bắt một người thế mạng cho mình. Số phận những ma da buồn thảm và khốn khổ đến nỗi họ không ngần ngại kéo một người nào đó trong gia đình xuống dưới ấy. Chúng thường hiện thành một đống đen, vào những buổi chiều tối, đến bên lò rèn hay những nơi ấm áp để sưởi, hoặc trốn đâu đó trên bè, cầu, ghe thuyền để tìm người thay thế. Vì thế, gia đình người chết đuối thường vội vã làm lễ vớt vong kẻ chết đuối với mục đích nhờ huyền lực của phù phép kéo hồn nạn nhân ra khỏi thủy phủ.
Lễ thức này nhằm cầu đến một hệ thống thần thánh của Đạo giáo: Thái thượng Lão quân, Ngọc hoàng Thượng đế, Diêm vương, Thủy ma, Triệu Công Minh, Trương Văn Sư. Thầy pháp dùng phù phép phái thủy ma đến gặp bà thủy để xin tha kẻ bị giam giữ. Một trong các thầy pháp vẽ mặt vằn vện, xiên quai qua má, ngồi trên những mũi dao nhọn đặt trên kiệu do 4 người khiêng ra chỗ nạn nhân bị chết đuối để đe dọa bà thủy. Ông ta hô phong hoán vũ, niệm thần chú để thị uy, cho đến khi ông mệt lả thì mới khiêng về!
Thầy pháp cũng cầu khẩu Tam Tạng để nhờ vị Đường Tăng này xin bà thủy; và tra hỏi ông Địa để biết là Tam Tạng có nhận lời yêu cầu của mình không? Người ta lại cho một người chui vào trong cái hòm và đậy nắp lại. Thầy pháp tụng kinh và phù phép. Từ trong hòm, người ấy với vai trò là xác đồng, nói: “Tôi là kẻ chết đuối, được bà thủy tha”. Hắn ta chui ra khỏi hòm, đi về phía cha mẹ người chết, gọi tên gọi họ và quỳ lạy... khóc lóc nói rằng rất lạnh. Cuối cùng là tấn tuồng: hắn dẫn gia đình đến mộ của kẻ bị chết đuối mà hắn coi là của hắn!(15).
Qua hai hình thức nghi lễ vớt vong khác nhau trên đây, chúng ta thấy rằng tập tục tín ngưỡng liên quan đến hồn người chết này được xác lập trên cả quan niệm của Phật giáo lẫn Đạo giáo và cả trên quan niệm kính trọng quỷ thần của Nho giáo. Đặc điểm này tồn tại cả trong tập tục cúng cô hồn.
3. Tập thể những vong hồn cô độc không có ai thờ phụng này, trong quan niệm dân gian, là những lực lượng ma quỷ nguy hiểm tàng ẩn ở khắp mọi nơi. Chúng đói khổ nên luôn tìm cách làm hại người đời để đòi lễ vật cúng quảy. Chúng chỉ được bọn cờ gian bạc lận, trộm cắp cúng kiếng, coi đó là những lực lượng bảo hộ cho công việc làm ăn bất chính của chúng. Trong dân chúng, việc cúng cô hồn là một cách “hối lộ” để đổi lấy sự an lành; và đối với tín đồ đạo Phật lại coi đó là một việc “bố thí”, làm phước cho những vong hồn bất hạnh và cầu mong chư Phật độ trì cho chúng được siêu thoát.
Một số làng ở Gia Định - Sài Gòn, trong khuôn viên đình có lập miếu thờ - gọi là miếu cô hồn và hàng năm có tổ chức lễ cúng lớn vào tháng Bảy âm lịch, không nhất thiết là cúng lễ vào rằm Trung nguyên.
Một số nơi thường xảy ra những sự chết chóc, hay có những hiện tượng bất thường người ta cũng lập miếu thờ - gọi là miếu cô hồn. Miếu cô hồn ở cầu Bình Lợi, nơi có nhiều kẻ chán đời nhảy xuống sông tự tử, hay các miếu khác ở bên lề trục lộ giao thông, nơi thường xảy ra tai nạn xe cộ là những ví dụ. Miếu cô hồn ở Tân Định là một ví dụ khác.
Theo Lê Văn Phát(16), cô hồn được cúng vào cả 3 ngày rằm lớn: Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên chứ không chỉ cúng mỗi dịp Trung nguyên mà thôi. Theo tập tục truyền thống, lễ Thượng nguyên là lễ cúng Thiên quan, lễ Trung nguyên là lễ cúng Đại quan và Hạ nguyên cúng Thủy quan. Theo âm lịch cổ, các lễ này gốc là lễ nghi nghiệp. Lễ Thiên quan nhằm mục đích tạ ơn trời sau mùa vụ năm qua (thường gặt vào tháng mười một, tháng chạp); lễ Địa quan có liên quan đến việc cúng thần Đất (Thổ địa) và lễ Thủy quan là lễ cầu mùa, cầu bông(17). Như vậy, việc cúng cô hồn trong ba rằm lớn này dường như là một lễ phụ theo tập tục “cúng và kiếng”: cúng thần nhân đó cúng gia tiên và bày một mâm cúng cô hồn, đất đai viên trạch ở ngoài sân, ngoài hè gọi là thể tất với quỷ thần “tứ tung linh tàng” bàng bạc khắp nơi.
Trong ba ngày rằm lớn, rằm tháng Bảy cúng Địa quan đại đế chịu ảnh hưởng của lễ Vu lan của nhà chùa nên cũng được gọi là lễ Địa quan giải ách. Cũng có quan niệm cho rằng tháng Bảy âm lịch là tháng Trực phá, hợp với việc phá dỡ nên tháng này địa ngục cũng được tháo cửa, mở cổng và vong hồn được phép tự do lên trần thế. Do đó, người đời cúng lễ đốt vàng mã cho ông bà và cúng cô hồn vào tháng này. Theo một Phật thoại nói về việc Mục Kiền Liên làm theo lời dạy của Đức Phật: cúng dường chư Tăng vào rằm tháng Bảy, lúc chư Tăng mãn hạ để nhờ uy đức của chư Tăng cứu thoát mẹ là Thanh Đề khỏi địa ngục. Từ đó, về sau tín đồ Phật giáo theo đó làm lễ Vu lan hàng năm để cầu mong cho vong hồn thân nhân mình được siêu thoát. Ở lễ Vu lan này, chúng ta cũng gặp lại quan niệm chính yếu của đạo Phật về việc cúng kiến liên quan đến vong hồn là không phải dâng lễ vật cúng cho vong hồn mà là nhằm cầu xin một uy lực khác, cụ thể là uy lực do công đức của chư Tăng - một trong ba ngôi báu của đạo Phật - để vong hồn của thân nhân người cúng dường được chuyển nghiệp hầu siêu thoát khỏi địa ngục về Lạc quốc. Đặc điểm này có khác với lễ cúng cô hồn ở làng xã, ở các miếu thờ âm hồn, cô hồn. Ở lễ này, bản thân khoa nghi chẩn tế Phật giáo đã chấp nhận việc dâng lễ vật cho các cô hồn ăn uống, một quan niệm coi ra không chính thống.
Ở Trung Bộ, lệ cúng cô hồn thường tổ chức trước ngày lễ kỳ an ở đình làng - gọi là lễ Nghĩa trủng. Sáng hôm đó, dân làng ra đồng, bãi, gò, núi tìm dẫy sạch cỏ, đắp lại nấm tươm tất tất cả các ngôi mộ vô chủ và trưa hôm đó, tụ tập lại miếu âm hồn, thường xây trong khuôn viên đình, để cúng lễ. Do đó, lễ Nghĩa trủng có tính chất là một thứ nghi thức tiền lễ kỳ an và như vậy lễ này có mục đích làm cho lực lượng ma quỷ hay phá hại được no đủ, trước khi tiến hành cúng thần. Ở Nam Bộ, ở Gia Định - Sài Gòn nói riêng, cô hồn được một phần cúng riêng ngoài sân đình sau khi tế lễ cúng đình, gọi là lễ Tống ôn. Lễ cúng dành riêng cho cô hồn ở miếu thờ cô hồn, ngôi miếu mà đối tượng được thờ ở chính điện là Tiêu Diện Đại sĩ (thống lãnh thập loại cô hồn) - một trong các hóa thân của Bồ tát Quan Âm - thường tổ chức vào ngày rằm tháng Bảy. Song, ở các làng xã, việc lễ cô hồn lại không nhất thiết đúng vào ngày rằm tháng Bảy mà là một ngày khác, phổ biến là ngày 30 tháng 7 âm lịch hàng năm, hoặc 3 năm cúng một lần. Có lẽ việc chọn ngày khác ngày rằm là nhằm để tránh việc cùng một lúc làng và chùa cũng làm lễ. Có nơi, lễ cúng cô hồn nhằm vào dịp khai trương chợ.
Lễ cúng này nhà chùa gọi là chẩn tế cô hồn và trong dân dã gọi nôm na là lễ làm chay xô giàn vì lễ cúng này ở Nam Bộ xưa được tiến hành trên một cái giàn làm ở một nơi công cộng cao quá đầu người. Lễ cúng cô hồn được tổ chức vào lúc sau giờ Ngọ và phải xong trước giờ Hợi, không kéo dài qua giờ Tý. Vì theo quan niệm của đạo Phật, chiều tối là giờ ăn của ma quỷ và sáng, trưa là giờ ăn của thần thánh, và Phật. Bóng tối vừa phủ xuống, các vị sư xách lồng đèn nhỏ, cùng với những người nhạc công vừa đi vừa đánh chiêng ra đồng ruộng, nghĩa địa để gọi mời cô hồn về dự lễ - gọi là chiêu u. Đồng thời, đội chiêu u cũng dùng một chiếc ghe đi dọc theo các khúc sông trong làng để thả những chiếc đèn lồng làm bằng giấy đựng đầy dầu (trên đặt một đồng tiền điếu xuống để gắn tim) xuống mặt nước để chiêu hồn những nạn nhân bị chết đuối. Nghi thức gọi là phóng đăng như là dấu hiệu và có mục đích soi sáng đường về dự lễ cho các vong hồn (18). Trên chiếc giàn ba bậc cao thấp, người ta bày lễ vật bánh, trái, xôi, thức ăn và cả heo quay. Bánh chất thành mâm hình quả núi đủ màu sắc, trái cây đựng trong giỏ. Tất cả đều gắn một băng giấy răng cưa có đề tên người cúng. Lại có cả heo quay và thức ăn mặn khác chứ không hoàn toàn là cúng đồ chay. Cách giàn một khoảng có một lá phướn dài, treo trên ngọn tre, phất phơ trong gió. Đây là một loại cờ hiệu có đính nhiều tua giấy ngũ sắc và dưới cùng là một chùm đèn lồng ngũ sắc giúp cho các cô hồn biết nơi cúng lễ mà về dự.
Các vị sư khi vào lễ, gồm có một vị chủ lễ ngồi trên cao và 4, 5 vị phụ lễ khác ngồi ở bậc dưới. Họ tụng kinh, đọc chú thực hiện các loại ấn quyết được quy định trong khoa nghi chẩn tế và có giàn nhạc lễ nhà chùa diễn tấu khác với nhạc lễ tế ở đình. Diễn tiến cơ bản của hình thức nghi lễ là bắt ấn đọc chú cho cô hồn quy về, làm phép “biến thủy, biến thực” cho cô hồn ăn. Trong lễ này cúng những lễ vật riêng: 3 ô tiền điếu, bông hoa, thau nước để thả đèn bông sen và tượng ông Tiêu (Tiêu Diện Đại sĩ).
Ông Tiêu thường là một tượng đồ mã, sườn tre, phất giấy màu. Theo quan niệm truyền thống thì ông Tiêu là người thống lãnh toàn bộ ma quỷ. Do đó, lễ cúng phải có ông giữ gìn trật tự. Về ngoại hình, ông Tiêu có vẻ mặt dữ tợn, vằn vện, mắt to lồi ra ngoài, tai to như chiếc quạt, đầy lông và trên đỉnh đầu là hòn núi Tam Sơn, một trong những thị hiện (hiểu là hóa thân) của Quan Âm Bồ tát; do đó, trên cái sừng chính giữa người ta có vẽ hình Quan Âm. Ông có phép khạc ra lửa và đặc điểm này được biểu trưng bằng một cái lưỡi dài đỏ lòm. Ông khống chế lũ cô hồn bằng chiếc cờ nheo cầm ở tay, mỗi lần phất cờ là có thể làm cho cô hồn ngủ ngay tại chỗ và lần phất khác, sẽ đánh thức chúng dậy. Ông Tiêu này trở nên linh hiển sau khi vị chủ lễ làm phép “khai quan điểm nhãn”, trước lúc “thí thực” cho bọn cô hồn. Và khi lễ tất, ông Tiêu cũng bị đốt đi cùng với cái phướn. Người dân tranh nhau chiếc lưỡi đỏ lòm của ông Tiêu. Mỗi người xé được một miếng đem về làm bùa hộ mệnh cho trẻ con. Ba ô tiền điếu được vị chủ lễ niệm chú làm phép, cắm với cọng nhang, phóng ra. Người ta lại chen nhau giành lấy để làm bùa đeo trẻ con! Có nơi đựng tiền điếu trong bụng ông Tiêu. Những đồng tiền này cũng có giá trị phù phép như những đồng tiền điếu kia. Lệnh lễ tất ban ra, đám người dự lễ ào nhau giành lấy lễ vật. Tiết mục ngoài phần lễ thức này, gọi là giựt giàn.
Hôm sau, đúng vào giờ đó, người ta tổ chức cúng lần thứ hai, gọi là thí thực. Lễ này dành cho những cô hồn đến trễ và những cô hồn yếu đuối, không đủ sức giành lấy vật thực trong buổi lễ hôm qua (19).
Qua những tập tục cúng tế đã trình bày trên, chúng ta thấy dạng thức tín ngưỡng, thờ hồn người chết là một tổng thể được hình thành trên những giáo thuyết khác nhau trong hệ thống tín ngưỡng ở Nam Bộ xưa. Có tập tục thuần Phật giáo như lễ Vu lan, song phần lớn là không thuần nhất, mà trộn lẫn cả Nho - Phật - Lão. Một đặc điểm dễ nhận ra là quan niệm Phật giáo về sự thăng đọa của vong hồn - thần thức - đã chiếm tỷ trọng khá lớn trong tâm thức dân chúng ở đây và được thể hiện bằng nhiều tập tục tín ngưỡng, nhiều hình thức nghi lễ khác nhau. Tính chất tổng hợp đa thành tố này trong các đối tượng thờ tự có khác so với tập tục thờ cúng các thần bảo hộ gia đình khác.
Tài liệu tham khảo
1)     Huỳnh Tịnh Paulus Của: Đại Nam quốc âm tự vị – Imp.Rey, Curiol, Cie, S, 1895
2)     Theo sách Vân cấp thất thiêm thì người ta có 3 hồn: Thái quang, Sảng linh và U tinh. Theo Phật giáo thì thực vật chỉ có sinh hồn, động vật có sinh hồn và giác hồn, và con người có sinh hồn, giác hồn và linh hồn.
      Theo quan niệm truyền thống, phụ nữ có hơn nam giới hai vía. Đàn ông có bảy vía tương ứng 2 lỗ tai, 2 lỗ mũi, miệng, hậu môn và lỗ tiểu tiện. Đàn bà có thêm 2 vía (tức) tương ứng với âm đạo và tử cung đạo.
3)     Lê Văn Phát: La vie intime d’un Annamite de Cochinchine et ses croyances vulgaire. – B.S.E.I., No 52, 1906. – Imp. F.H.Schneider, Saigon, 1907 (chúng tôi dẫn theo bản sao của Thư viện Khoa học xã hội tại TP.HCM).
4)     Theo Lê Văn Phát, sđd, thì người ta cắm một đôi đũa vào chén cơm giữa dành cho người chết và 2 chén cơm kia lành cho kem, mỗi chén có một chiếc đũa. Việc làm này là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người chết ăn phần cơm của mình; và ngược lại, với mỗi một chiếc đũa, kem ăn chậm hơn và không giành được phần cơm của người chết!
5)     Sa mao: Bó cỏ tranh dài độ 8 tấc, khoảng một nắm tay, giữa thắt cổ bồng, dựng ở mặt đất (hoặc dựng trên một bát đựng cát). Sách Vấn đáp gia lễ giải thích rằng: Rót rượu xuống đất là để cầu thần ở dưới âm: âm thuộc số chẵn là 8, nên sa mao phải làm theo số chẵn.
Theo Nguyễn Thọ Dực và các đồng tác giả: Quan hôn tang tế hội thông – Trung tâm Sản xuất học liệu - Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên xuất bản, S, 1974, tr.48, 56.
6)     Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, bản dịch của Nguyễn Tạo (1972), tập hạ, tr.5.
7)     Lê Văn Phát, sđd, tr.160 (Tài liệu TVKHXH)
8)     Từ tất quy thổ, cốt nhục tệ ư hạ, âm vi dã thổ, kỳ khí phát dương ư thượng vi chiêu minh (Lễ ký, Tế nghĩa, XXIV).
9)     Trịnh Hoài Đức, sđd, tập hạ, tr.5.
10)  Theo Lê Thọ Dực và các tác giả, sđd, tr.58-59.
11)  Xem thêm bản vẽ có chú giải: cõi Ta bà: Thích Hân Hiền dịch, chùa Vạn Liên xuất bản, S, 1971.
12)  Xem: - Hồi dương nhân quả - Ngọc Lịch minh kinh - không đề nơi xuất bản, PL 2513 – Địa ngục ký... - Cô Ba cháo gà nói, Thích Nhựt Long lược ký – Liên Hoa tịnh thất xuất bản, Mỹ Tho, 1974.
13)  Xem: Thiền môn chánh độ thế nhơn tang tẩn sơ chung khoa nghi. – Tôn giả Liễu Tạng biên soạn, hậu học Thích Chơn Giám san bổ. Bản in rônêô. GHPGVNTN ấn hành, 1980. – Pháp sự khoa nghi Việt ngữ. – Soạn dịch giả Huyền Quang, Bình Định,1989.
14)  Lưu ý: Quan niệm này khác với mê tín về hiện tượng gọi là mắc bệnh đàng dưới. Theo mê tín này, con người trần thế bị Ngũ long công chúa (nếu đàn ông) hay thằng bố (nếu đàn bà) phải lòng nên đêm đêm lên ân ái. Kẻ bị bệnh đêm đêm nằm một mình nói nhảm như trò chuyện với người khác và thân thể bị suy nhược. Ngày xưa, người ta rước thầy pháp cúng để vô bùa giải trừ. Ngày nay, căn bệnh này được hiểu là bệnh mộng tinh.
15)  Theo Ant. Bretion: Croyances et supertitions Cochinchinoises – Revue Indochinois, 1916, No 5-6, p.467-468.
16)    Lê Văn Phát, sđ d, tr.56-61 (bản đánh máy, TV KHXH).
17)    Lệ thường, ngày rằm của một số tháng trong năm được coi là ngày vía: rằm tháng Giêng - Thiên quan, tháng Hai - Thái thượng Nhạc nguyên soái, tháng Ba - Lôi đình đại thắng; tháng Tư -  Phật Như Lai; tháng Bảy - Địa quan; tháng Mười - Thủy quan. Các ngày rằm tháng 5, tháng 6, tháng 8, tháng 9, tháng 11, tháng 12 là rằm thường (vọng).
18)   Một quan niệm có lẽ khá cổ xưa: nước, thủy đạo là đường đi của vong hồn, nối dương gian với âm phủ. Điều xác tín này được là do quan niệm tất cả các địa ngục đều ở dưới đáy biển. Từ điều xác tín này, nên người ta hay coi thuyền Bát nhã, thuyền rồng là phương tiện chuyên chở hồn người chết và các nghi lễ tống ôn, tống khách, nhằm xua đuổi ma quỷ, quân ôn dịch đều có làm bè hay tàu để tống khứ những chiếc tàu mà chúng đã được dụ dỗ hay cưỡng ép bằng phù phép lên đó, ra sông, thả xuôi theo dòng nước, ra khỏi thôn làng.
19)  Theo Lê Văn Phát, sđd, tr.58-61 (Bản đánh máy TV KHXH) và tài liệu điều tra thực tế do Giáo thọ Huệ Viên (chùa Giác Viên), ĐĐ.Lệ Chân (chùa Định Thành), TT.Thiện Bửu (Tân Kiên, Bình Chánh), thầy trụ trì chùa Từ Thoàn (quận 8) cung cấp.
Nguồn : //www.giacngo.vn
Người post bài: Ngô Anh Đào   
Cập nhật ( 07/08/2010 )